Nói về thời trang của tầng lớp thượng cấp châu Âu thế kỷ 19, không thể bỏ sót những chiếc đầm dáng phồng khổng lồ với tên gọi "crinoline".
Ban đầu, độ phồng của váy được dựa trên độ phồng, xốp của vải lông đuôi ngựa hoặc vải lanh. Tuy nhiên về sau người ta sử dụng lồng váy để duy trì tuổi thọ cho kiểu dáng trang phục. Đường kính vòng trong lồng dao động từ 1- 4,5m.
Ngày ấy, người ta quan niệm việc sở hữu mẫu váy cồng kềnh này là 1 dấu hiệu chứng minh mức độ giàu có. Người nào mặc váy càng đẹp, càng may bằng chất liệu cao cấp và thêm thắt chi tiết rườm rà thì người đó càng giống người giàu có. Tuy cồng kềnh và gây bất tiện trong khi đi lại nhưng nhiều phụ nữ "cố đấm ăn xôi" vì mặc cũng mát, mà lại trông giống... giới thượng lưu.
Nhưng thực tế đây là kiểu váy ác mộng! Vào năm 1858, một phụ nữ tại Boston bị thiêu chết khi mặc dáng váy này trong lúc làm bếp. Tháng 2/1863, Margaret Davey, một cô hầu gái 14 tuổi cũng chịu kết cục tương tự vì váy bắt lửa khi đang nấu ăn.
Tại Anh hồi đó, trung bình 2 tháng sẽ có 19 người chết do những chiếc váy phồng bị bắt lửa. Những phụ nữ chứng kiến không dám xông vào cứu vì lo ngại mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Tại Philadelphia, 9 nữ diễn viên ba lê đã chết cháy sau khi một người bị cây nến đổ xuống váy trong nhà hát Continental.
Năm 1864, thời báo New York Times đưa ra bản báo cáo cho thấy có khoảng 40.000 phụ nữ trên khắp thế giới thiệt mạng bởi trang phục tai ương này. Không chỉ gây chết người vì chất liệu dễ bắt lửa và gọng cứng khó để cởi bỏ khi cần, phần chân váy lùm lùm còn dễ vướng vào các thiết bị máy móc, nhất là máy cuốn và gây ra những cái kết vô cùng thảm khốc.
Nhưng tai hoạ vẫn cứ diễn ra khi công nhân Ann Rollinson chết thảm khốc do váy bị cuốn vào máy tẩy vải năm 1898, dẫn tới việc nhà máy nơi cô làm việc quy định toàn bộ nhân sự phải mặc đồ gọn gàng, an toàn. Cùng năm đó, thiếu nữ 16 tuổi Emma Musson bị thiêu khi một cục than lăn ra khỏi bếp và rơi trúng váy của cô. Hàng vạn tai nạn xảy ra đều liên quan tới cấu tạo gây mất nhiều thời gian để cởi bỏ của chiếc váy.
Sau hàng loạt những biến cố kinh hoàng xảy ra xung quanh mốt thời trang tai hại ấy, người ta đã dần bài xích và lãng quên những chiếc váy phồng rồi chạy theo kiểu mốt khác. Năm 1920, váy phồng tái xuất với kiểu mẫu gọn gàng hơn rất nhiều. Các dị bản của "váy sát nhân" hiện vẫn còn nhưng được ứng dụng trong váy cưới hiện đại.
Theo Lý Thấm (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)