Trên mạng xã hội một số người bày tỏ thái độ khó chịu khi thấy áo dài được mix với váy đụp. "Chưa bao giờ áo dài bị ngược đãi tàn bạo như Tết này. Cái gọi là "các nhà tạo mẫu" đã cho áo dài sống chung với váy đụp thành một thứ trang phục mới, không mang lại bất cứ một giá trị thẩm mỹ nào.
Cái váy đụp mặc cùng cái yếm cho thấy một vẻ đẹp gợi cảm dân dã. Nhưng khi nó đi cùng với áo dài, thì sự kết hợp thô kệch ấy phá hỏng mọi ý nghĩa mà áo dài đã mang lại cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt.
Thướt tha, gợi cảm, tinh tế, quyến rũ, bay bổng đều bị mất sạch. Thành thật xin phái đẹp Việt Nam ngừng ngược đãi áo dài" - ý kiến của một nhà báo trên trang cá nhân.
Một số mẫu áo dài cách tân được phái yếu lựa chọn mặc trong dịp Tết 2017. |
Cùng là phụ nữ, một khán giả Bảo Trân bày tỏ không thiện cảm với sự cách tân của mẫu áo dài mà nhiều chị em chọn mặc trong dịp Tết năm nay. Bởi theo chị cần phải tôn trọng cái đẹp của văn hóa Việt chứ không nhân danh cái gọi là thời trang để sao chép tạo ra những sản phẩm văn hóa kém thẩm mỹ.
Trước câu hỏi: Là người từng thiết kế nhiều mẫu áo dài cho những hoa hậu, danh hài, người mẫu nổi tiếng như: Mai Phương Thúy, Thúy Nga, Bebe Phạm, Lý Nhã Kỳ, anh chia sẻ gì về các mẫu áo dài cách tân được mặc nhiều trong dịp Tết 2017?
Từ Philippines, nhà thiết kế Việt Hùng bày tỏ: "Tâm nguyện làm mới và đưa áo dài đến gần với giới trẻ lúc nào cũng thường trực trong tôi. Vì tôi nghĩ họ là thế hệ kế thừa không chỉ quyết định tính tồn tại của áo dài mà hơn hết nó phải là hình ảnh của một ai đó đáng để họ nhớ, thương... rồi yêu mến mới có thể sống được trong xã hội vội vã, thực tế hôm nay và ngày mai.
Nhưng với vốn hiểu biết chưa sâu và thích thể hiện cái tôi của mình như một số bạn trẻ hiện nay thì việc chọn áo dài cách tân thái quá gây phản cảm và dễ làm tổn thương và phai mờ ấn tượng khó khăn lắm áo dài mới tạo được.
Hoa hậu Diễm Hương trong mẫu áo dài mới của NKT Việt Hùng. Ảnh: Lê Thanh Hải. |
Là một người làm áo dài và gắn mình với áo dài tôi trân quý và cảm ơn rất nhiều về sự lựa chon trang phục của dân tộc cho thời khắc thiêng liêng thay vì các bạn có thể chọn đồ Âu, Hàn, Nhật, Thái... đang làm mưa làm gió trên thị trường thời trang Việt Nam. Nhưng tôi mong cái "hương đồng gió nội" của Nguyễn Bính xưa đừng "bay đi" quá nhiều và đừng gắn cho nó những mối quan hệ không cần thiết.
Chỉ khi nào các bạn có đầy đủ mọi giá trị cần thiết sẻ hiểu và tự hào mình là người Việt Nam và hơn ai hết các bạn sẽ vì nó và hết mình gìn giữ giá trị muôn đời đó. Và khi bạn là một người phụ nữ giữ lửa cho ngôi nhà Việt và hơn nữa khi là một người mẹ thì chỉ có những việc làm thực tế mới có giá trị khuyên dạy con cháu mình trong cuộc sống hôm nay".
"Chỉ người bảo thủ mới chê áo dài cách tân"
Bên cạnh những ý kiến phản đối về cách mix áo dài của một bộ phận chị em phụ nữ trong dịp Tết năm nay thì khá nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ với lý giải nếu phối màu ổn giữa tà áo và quần, váy lửng, phù hợp với những người ưa năng động, trẻ trung, cảm thấy bị vướng víu khi mặc kiểu quần cũ.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ với PV: "Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân. Ngày nay chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, và cổ tròn làm đa dạng và đó chính là sự vận động đổi mới của thời trang xu hướng.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (ngoài cùng bên phải) và mẫu áo dài thiết kế cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 2 từ trái sang). |
Tết năm nay thay vì nhưng bộ đầm tây giới trẻ có những sáng tạo mới khi kết hợp váy với áo dài theo xu hướng thế giới, tôi cho rằng đó là điều đáng mừng bởi trong tiềm thức vẫn có bản sắc dân tộc. Tôi không áp đặt những mẫu áo dài quá sang trọng vào giới trẻ có lẽ vì tôi chuyên thiết kế cho các doanh nhân và chính khách nên cũng có cách nhìn khác.
Người bảo thủ mới chê áo dài cách tân hay họ nhầm sáng tạo của giới trẻ là của riêng mình? Đó là câu hỏi tôi đặt ra và suy nghĩ mấy ngày qua. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên khuyến khích các nhà tạo mẫu sáng tạo. Hơn nữa chúng ta đừng đặt nặng quá về vẻ bề ngoài của chiếc áo dài mà cử chỉ, văn hóa của người mặc áo dài cũng sẽ góp phần làm áo dài đẹp hơn".
Anh Nguyễn Đức Lộc - ban nhạc Đông Đô cũng không ngại ngần quan điểm ủng hộ áo dài cách tân với VietNamNet. Anh nói: "Bánh chưng là món truyền thống Tết năm nào, bao đời nay vẫn vậy ... Nhiều năm trở lại đây người ta thêm thịt gà, nếp cẩm... nhưng ít người chê trách, vì đơn giản là vỏ bánh vẫn thế, vẫn lạt, vẫn lá dong xanh mướt!
Áo dài cách tân - cái tên mới nghe đã làm cho mọi người phản xạ ra hình ảnh của chiếc áo dài dài có liên quan đến truyền thống... Áo dài truyền thống vạt áo dài qua gối, còn áo cách tân vạt áo trên gối tôi vẫn hay gọi đùa là nên gọi nó là "áo ngắn" thì đúng hơn.
Thế nên tội gì mà vì một "cách gọi " lại nỡ ném đá một bộ đồ đẹp, một kiểu thời trang phù hợp với nhiều người. Tôi nghĩ rằng chiếc áo dài cách tân chị em phụ nữ mặc dịp Tết này không hở hang hay làm mất đi thuần phong mỹ tục gì. Hãy gọi nó bằng một cái tên khác và khen nếu thấy người mặc họ đẹp lên vì bộ áo đó thì vui hơn".
Theo Sơn Hà (VietNamNet)