Tưởng rất đơn giản nhưng bơm môi lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn bạn nghĩ đấy!
Ảnh: Internet |
Quá trình tiêm chất làm đầy vào môi khá đơn giản, nhanh chóng, chi phí cũng phải chăng nên rất được các chị em ưa chuộng. Tiêm filler môi là một thủ thuật nhỏ nhưng các bác sĩ thẩm mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng việc bơm môi có thể dẫn đến tình trạng mất thị giác.
Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ thẩm mỹ Úc (ASPS), Mark Ashton nói với news.com.au: “Việc sử dụng chất làm đầy ngày một phổ biến khiến cho mọi người quên mất những rủi ro và các nguy cơ có liên quan đến nó. Tiêm chích thẩm mỹ cũng là một loại hình phẫu thuật thật sự và đều có mang đến rủi ro chết người.”
Tại Hàn Quốc, người ta cũng đang nghiên cứu và tìm hiểu về tình trạng của 12 ca bị mất thị lực sau khi tiêm filler. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Seoul và được xuất bản trong Tạp chí của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ.
Ảnh: Internet |
“Tất cả 12 bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 26-45, đều được tiêm chất làm đầy axit hyaluronic. Quá trình tiêm được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và chứng nhận bởi Hiệp hội bác sĩ thẩm mỹ và các bác sĩ da liễu. Sau khi tiêm thuốc, thị lực của bệnh nhân suy giảm cho tắc nghẽn mạch máu và không thể hồi phục lại như ban đầu.”
Bác sĩ Mark nhấn mạnh: “Tất cả loại hình tiêm chất làm đầy vào cơ thể, bất kể ở vị trí nào cũng đều có nguy cơ dẫn đến mù lòa và biến chứng. Tiêm filler vào mặt, chất này có thể phá hủy mô sụn ở mũi. Từng có những bệnh nhân mũi chuyển màu đen sau đó rụng hẳn ra ngoài. Phần trán, má và môi cũng vậy, rất nhiều ca đã bị hoại tử vì tiêm filler.”
Sydney R. Coleman, giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, trong bài phỏng vấn với Allure cho biết: "Từ năm 1991, FDA đã lên tiếng cảnh báo việc tiêm collagen và silicon lỏng vào mặt có thể gây ra biến chứng mù lòa. Đã từng có không ít trường hợp xảy ra như vậy nhưng thường chúng không được báo cáo nên rất ít người để ý đến tác dụng phụ này của việc tiêm thẩm mỹ. Trách nhiệm của các bác sĩ là phải giải thích cặn kẽ, đầy đủ tất cả những tác dụng phụ có thể gặp phải cho bệnh nhân của mình".
Giáo sư Coleman giải thích thêm: "Tiêm chất béo sẽ dễ gặp biến chứng hơn so với axit hyaluronic bởi chất béo dễ bị vón lại thành cục. Khi kim tiêm vào da, gặp phải động mạch, filler có thể lan ra những nhánh mạch máu nhỏ khác và những mạch màu này cắt nối với động mạch dẫn đến mắt. Những bệnh nhân ở Hàn Quốc, đa phần họ đều tiêm chất làm đầy vào vùng mặt, đặc biệt là ở giữa 2 chân mày, khóe miệng, má, môi dưới và thái dương..."
"Bạn có thể thấy trước dấu hiệu cảnh báo rằng mũi tiêm đã thất bại, đó là sau khi tiêm sẽ thấy đau và khó chịu kinh khủng. Trong trường hợp này, hãy thổi hơi vào một túi giấy làm tăng lượng carbon dioxide và giảm áp lực nội nhãn sau đó nhanh chóng đến bệnh viện làm kiểm tra để được uống thuốc hạ nhãn áp. Nếu sơ cứu sớm, có thể tình trạng mù sẽ được giảm nhẹ hơn".
Chuyện làm đẹp ai cũng muốn, nhưng trước khi chọn bất cứ loại hình thẩm mỹ nào, các chị em nhớ phải tìm hiểu thật kỹ càng những rủi ro, nguy cơ của nó, đồng thời nhất định phải chọn nơi uy tín để “chọn mặt gửi vàng”, hạn chế tối đa những trường hợp không may xảy ra nhé!
Theo Đ.Hương (Thời Đại)