Áo dài và sự cách tân chưa khi nào có hồi kết bởi người ta còn mặc thì NTK cũng không nỡ từ chối sáng tạo, làm mới làm lạ hay chỉ đơn thuần "mặc một lần rồi thôi"... vì bị ném đá.
Sau tranh cãi về chiếc áo dài lai áo tắm Phan Thị Mơ diện tham dự cuộc thi Hoa hậu đại sứ du lịch Thế giới (World Miss Tourism Ambassador) 2018, người hâm mộ lại được dịp bàn luận về đề tài chưa khi nào cũ. Chỉ là chiêu thức "rượu mới bình cũ" nhưng cứ được dịp lại nổi như diều gặp gió, nói ngược nói xuôi chung quy tóm gọn lại bằng nội dung có chút ngao ngán: Áo dài xưa nay còn đâu?
Liệt kê những chiếc áo dài được lai tạp, cách điệu theo nhiều chiều hướng: từ lai áo tắm tới cắt xẻ, hay thiết kế cup ngực cho gợi cảm, hợp xu hướng... có thực sự cần thiết? hay những lời chê trách về phản cảm, lố lăng có nặng lời? Để giải đáp về những thắc mắc này, câu trả lời của các chuyên gia thời trang phần nào lý giải rõ hơn để người hâm mộ có cái nhìn, đánh giá đúng đắn nhất.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách từng chia sẻ, ông cho rằng chưa ai có thể xác định được áo dài Việt Nam ra đời từ khi nào. Tuy nhiên: "Nhiều người tưởng rằng áo dài của Việt Nam bắt chước từ áo sườn xám của Trung Quốc. Nhưng không phải, áo sườn xám của Trung Quốc đến những năm 1920, bà Tống Mỹ Linh - vợ Tưởng Giới Thạch dựa theo chiếc áo dài của Việt Nam để làm ra chiếc áo sườn xám. Để cho khác với áo dài của chúng ta, họ đã cho cắt tay, đường may sâu xuống đến giữa đùi để họ không mặc quần" - nhà nghiên cứu Trịnh Bách lý giải.
Với gần 15 năm trong nghề là từng ấy thời gian gắn bó với áo dài, NTK Thuận Việt khẳng định biến tấu hóa quá đà áo dài sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu: "Sự thay đổi và cải tiến sẽ mang lại hơi thở mới cho áo dài, giúp cho trang phục áo dài đi vào cuộc sống nhiều hơn. Sự "biến dạng" của áo dài là một trong những lỗi dễ mắc phải khi ta không biết điểm dừng khi sáng tạo.
"Cách tân áo dài" và "sáng tạo dựa trên cảm hứng từ áo dài" là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau và ranh giới ấy cũng rất mỏng manh. Việc xác định rõ mục đích ngay từ đầu là một việc làm quan trọng để ta biết ta đang làm gì. Do vậy, một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp phải biết điểm dừng ở đâu là hợp lý nhất".
Vậy áo dài nên cách tân thế nào thì hợp lý, fashion blogger Châu Thế Phong nói rõ quan điểm của anh: "Nói chung, áo dài được cho phép cách tân tà áo và du nhập xu hướng Tây phương nhưng không được đi quá giới hạn 30%. Vượt chỉ số ấy thì không thể gọi là chiếc Áo Dài Việt Nam. Tôi có dịp tham gia triển lãm về áo dài, họa sĩ Sỹ Hoàng có nhắc khéo "Chỉ nhớ một chiếc áo định nghĩa là áo dài cách tân khi nó cho phép được thay đổi từ 30-35% từ cổ, bờ vai, chiếc eo qua cách mạng New Look và thu ngắn tà một ít". '
Theo Mộc (Dân Việt)