Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting) gần đây đã trở thành một trong những chế độ ăn kiêng để giảm cân phổ biến nhất. Nhiều người cho rằng chế độ này giúp họ trở nên khỏe mạnh, tập trung tốt hơn và kiểm soát cân nặng như ý muốn. Tuy nhiên, mặc cho những hiệu quả rõ rệt với một số cá nhân, đây chưa hẳn là phương pháp giảm cân tối ưu cho tất cả mọi người vì những hạn chế sau:
1. Ẩn chứa rủi ro
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đặc biệt không phù hợp với đối tượng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe hoặc biến chứng, như người trên 65 tuổi hay đã có sẵn tình trạng sức khỏe không ổn định. Người đang sử dụng thuốc men cũng nên cần trò chuyện kỹ với bác sĩ. Lý do là bởi giờ uống thuốc liên quan chặt chẽ đến các bữa ăn trong ngày. Người làm công việc nặng cũng là đối tượng khó áp dụng cách ăn này.
Nhóm những người cần nạp nhiều calo như người thiếu cân, dưới 18 tuổi, đang mang thai hoặc cho con bú thì hoàn toàn không nên nhịn ăn gián đoạn. Người bị tiểu đường cũng tương tự. Nhịn ăn, dù chỉ là tạm thời, có thể khiến lượng đường trong máu giảm mạnh xuống mức thấp nguy hiểm.
2. Bạn sẽ thấy đói
Không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy bụng “cồn cào” trong thời gian nhịn ăn, đặc biệt nếu như đã quen với việc ăn liên tục. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát cơn đói bằng các chiến lược nhất định. Trong thời gian nhịn ăn gián đoạn, hãy tránh nhìn, ngửi hoặc thậm chí nghĩ về thức ăn. Bạn nên đọc sách hoặc tham gia vào hoạt động tinh thần khác, để hạn chế thời gian “chết” vốn dễ làm bản thân nghĩ đến việc ăn uống.
Uống nhiều hơn, như nạp nước, trà hoặc cà phê cũng giúp duy trì cảm giác no bụng. Bên cạnh đó, ăn uống đầy đủ trong các khoảng thời gian không nhịn ăn cũng giúp ích đáng kể. Hãy tập trung vào thức ăn chứa hàm lượng chất xơ cao, protein vừa phải và chất béo lành mạnh
3. Khả năng ăn quá nhiều
Thời gian nhịn ăn hoàn toàn có thể tạo đà để kích thích bạn ăn uống nhiều hơn bình thường sau đó. Điều này có thể dẫn đến dư thừa calorie, khiến cân nặng “nhảy số” chóng mặt. Việc nhịn ăn làm mức độ hormone căng thẳng cortisol tăng lên, kéo theo đó là cảm giác thèm ăn đáng kể. Đối với người đã quen với 3 bữa ăn một ngày kèm với đồ ăn vặt, nhịn ăn gián đoạn sẽ là một thay đổi lớn, dễ dàng dẫn đến mức độ stress thậm chí còn cao hơn trước.
4. Nguy cơ mất nước
Nhịn ăn không liên tục đôi khi có liên quan đến tình trạng mất nước. Lý do là bởi khi không ăn, bạn có xu hướng quên nạp nước cho cơ thể. Vì thế, hãy dành nhiều sự chú ý đến các dấu hiệu khát nước trong thời gian nhịn ăn.
5. Cảm thấy mệt mỏi
Cảm thấy thiếu sức sống là điều bình thường, đặc biệt là với những người mới thử nhịn ăn gián đoạn. Vì cơ thể bạn đang hoạt động với mức năng lượng ít hơn vốn có, và nhịn ăn có thể làm tăng mức độ căng thẳng, giấc ngủ của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Bạn có thể khắc phục bằng cách thiền hay các hoạt động giảm stress khác. Nếu đã có sẵn kế hoạch vận động, hãy sắp xếp để thực hiện chúng trong những giai đoạn ăn uống bình thường.
6. Xu hướng trở nên cáu kỉnh
Cả tâm trạng và cảm giác thèm ăn của cơ thể đều được kiểm soát bởi cùng một chất sinh hóa. Việc tiêu thụ chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, vốn là những chất có vai trò trong việc hạn chế lo âu và trầm cảm. Do đó, thay đổi thói quen ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Tuân thủ chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là điều rất quan trọng. Ăn no và ngủ đủ giấc sẽ giúp tâm trạng của bạn ổn định hơn.
7. Dễ say hơn
Uống rượu trong quá trình nhịn ăn gián đoạn không phải là vấn đề, tuy nhiên bạn không nên uống đồ có cồn ngay trong lúc hoặc vừa sau khoảng thời gian nhịn ăn. “Chè chén” khi bụng rỗng sẽ làm bạn say nhanh chóng. Như bạn có thể đã tìm hiểu trực tiếp, bạn sẽ say nhanh hơn nếu bạn uống khi bụng đói.
Điểm quan trọng bậc nhất khi cân nhắc thử chế độ nhịn ăn gián đoạn đó là trao đổi trước với bác sĩ. Điều này đặc biệt cần thiết hơn đối với những người có ý định áp dụng lâu dài, để đảm bảo rằng lựa chọn của họ là thật sự phù hợp và đúng đắn với tình trạng và sức khỏe cá nhân.
Theo Lan Chi (VTV.vn)