Kem chống nắng, kem chống nắng, kem chống nắng. Điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần. Dù ai cũng biết tầm quan trọng của kem chống nắng trong skincare, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng này, chúng ta vẫn nên điểm qua một vài lưu ý căn bản khi dùng kem chống nắng để chúng phát huy hiệu quả tối đa trên da của bạn.
Nhưng trước hết, hãy liệt kê ra vài tác hại nếu bạn bỏ qua lọ sản phẩm "quyền năng" này trong chu trình dưỡng da nào.
Hậu quả nếu không bôi kem chống nắng
Không bôi kem chống nắng đồng nghĩa với việc bạn để làn da mỏng manh của mình tiếp xúc trực tiếp với tia UVB (có hại sau 8h sáng) - tác nhân gây tổn thương các AND trên da, khiến da bị sạm đen, cháy nắng và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
Bên cạnh tác nhân UVB hoạt động trên bề mặt, bạn còn đối mặt với nguy cơ lớp biểu bì, cấu trúc bên trong và collagen tự nhiên của da bị phá hủy, dẫn đến sự suy giảm độ đàn hồi da, khiến da mỏng yếu, hình thành nếp nhăn và lão hóa gây ra bởi UVA, một loại tia cực tím khác.
Một khi ý thức được những hệ quả "kinh khủng" nếu không bôi kem chống nắng, bạn sẽ tự giác và nghiêm chỉnh apply sản phẩm này. Vậy thì có những lưu ý nào chúng ta cần lưu tâm?
Lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp
Đầu tiên là lựa chọn loại kem phù hợp với làn da của bạn. Kem chống nắng về cơ bản được phân làm hai loại gồm kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Tùy theo loại da mà bạn cân nhắc loại nào phù hợp với bản thân. Ví dụ như bạn có làn da nhạy cảm thì chọn kem chống nắng vật lý không hương liệu, cồn và các thành phần dễ gây kích ứng khác, còn nếu bạn da dầu thì chọn kem dạng gel hay nước, trên nhãn có ghi chú No Sebum, Oil Free, Oily Skin...
Chỉ số SPF và PA
Về chỉ số SPF, nếu bạn đi làm văn phòng, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nhiều thì kem chống nắng có chỉ số SPF 30 là ổn, và cứ sau 3-4 tiếng phải bôi lại. Trong trường hợp bạn hoạt động ngoài trời lâu, hãy chắc chắn lọ kem của bạn có chỉ SPF từ mức 50 trở lên, và cứ mỗi 2 tiếng phải dặm lại một lượt.
Hãy nhớ rằng dù trời nắng, mưa hay râm, hay bạn có ngồi trong phòng có rèm che chắn thì vẫn phải bôi kem chống nắng. Và đừng phí thời gian, tiền của cho những sản phẩm có chỉ số SPF dưới mức 30, cụ thể là 15, chúng chẳng giúp ích được gì cả.
Ngoài ra, hãy lưu tâm đến chỉ số PA trên sản phẩm. Đây là chỉ số chống tia tử ngoại UVA, tác nhân khiến da lão hóa, hiệu quả chống tia UVA dựa trên số + của PA. Ví dụ PA+ bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVA từ 40-50%; PA++ bảo vệ được 60-70% và PA+++ bảo vệ da đến 90%.
Trình tự apply và lượng kem chống nắng thích hợp
Đó chính là cuối bước skincare và trước bước trang điểm. Sau khi đã làm sạch mặt, lúc này làn da bạn đã được loại bỏ hết bụi bẩn và bã nhờn, thích hợp để hấp thu các dưỡng chất có trong sản phẩm tối ưu nhất. Lượng kem vừa đủ để bôi mặt là bằng một đồng xu, ít hơn thì sẽ không hiệu quả, còn nhiều hơn cũng sẽ không giúp tăng hiệu quả của kem.
Đừng quên mắt và môi
Có 2 vùng trên mặt mà mọi người thường hay bỏ qua khi thoa kem chống nắng chính là vùng mắt và môi. Đây đều là 2 vùng khá nhạy cảm, đặc biệt là vùng mắt khi đây là nơi dễ bị tổn thương và làm lộ dấu hiệu tuổi tác rõ nhất, vậy nên bạn cần bảo vệ 2 vùng da này kỹ càng hơn.
Để an toàn cho vùng mắt, hãy chọn những sản phẩm có chứa Titanium Dioxide hoặc Zinc Oxide, kết cấu mỏng nhẹ, kiềm dầu để không bị chảy vào mắt và không chứa cồn, hương liệu hay chất tạo màu. Về phần môi, trước khi thoa son, hãy apply một lớp son dưỡng có chỉ số SPF trước nhé.
Kết luận
Cuối cùng, đừng quá phụ thuộc vào kem chống nắng. Hãy mặc áo dài tay, váy hoặc đồ chống nắng, mũ rộng vành, kính râm, cũng như hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu. Suy cho cùng, kem chống nắng chỉ giúp bảo vệ da bạn được 90% thôi.
Theo Phoebe (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)