Tuần trước, tài khoản hơn nửa triệu lượt đăng ký của bác sĩ Joseph Mercola đã biến mất khỏi Youtube. Đại diện nền tảng video trực tuyến lớn nhất thế giới cho biết họ đã thẳng tay gỡ bỏ tài khoản, bao gồm toàn bộ video của vị bác sĩ này do vi phạm chính sách đưa thông tin y tế sai lệch.
Đây chỉ là một động thái trong chiến dịch được cho là lớn nhất từ trước đến nay của Youtube, nhắm vào tất cả các nội dung và tài khoản nổi tiếng chống vắc-xin. Cùng với tài khoản của Mercola, ba tài khoản Youtube nổi tiếng chống vắc-xin khác là Erin Elizabeth, Sherri Tenpenny và Robert. F.Kennedy Jr (con trai thượng nghị sĩ Robert. F.Kennedy, cháu trai cựu tổng thống Mỹ John F Kennedy) đều đã bị khóa.
Youtube là trung gian cho mọi thông tin sai lệch về vắc-xin
Joseph Mercola trước đó được mệnh danh là ông hoàng tin giả, người đứng đầu danh sách "Top 12 người lan truyền tin giả chống vắc-xin nhiều nhất trên mạng xã hội" có mặt cả Robert F.Kennedy Jr, Erin Elizabeth và Sherri Tenpenny.
Tổ chức phi lợi nhuận Countering Digital Hate tại Anh cho biết chỉ riêng 12 người này đã tung ra 65% tất cả các thông điệp chống vắc-xin được dịch ra mọi thứ tiếng trên toàn cầu.
Những người như Mercola thường có một công thức rất chuyên nghiệp để mê hoặc công chúng bằng tin giả. Dù chỉ có giấy phép hành nghề nắn xương ở Mỹ, Mercola đã tự xây dựng một đế chế truyền thông cho riêng mình, bao gồm nhiều website liên kết với nhau, các kênh mạng xã hội cho đến viết sách để đánh bóng tên tuổi như một chuyên gia y tế.
Nhờ danh tiếng và sự xuất hiện dày đặc của mình trên mạng, Mercola đã thỏa sức tung tin giả về các loại vắc-xin, xây dựng cho mình một cộng đồng những người bài trừ y học hiện đại. Sau đó, ông ấy sẽ bán các sản phẩm trị liệu thay thế cho nhóm cộng đồng này và thu về hàng triệu USD lợi nhuận.
Trong đại dịch COVID-19 và bối cảnh tiêm chủng toàn cầu, Mercola và những nhân vật chống vắc-xin nổi tiếng khác càng được dịp quay trở lại sản xuất nhiều nội dung về đề tài này, mà các video trên Youtube dường như là một kênh chủ lực.
"Youtube là trung gian cho rất nhiều thông tin sai lệch. Nếu bạn thấy các thông tin sai lệch trên Facebook hoặc bất cứ nơi nào khác, phần lớn đó đều dẫn link từ video Youtube", Lisa Fazio, một phó giáo sư chuyên nghiên cứu tin giả tại Đại học Vanderbilt cho biết.
Kể từ nay, Youtube sẽ chặn tất cả các kênh và nội dung chống vắc-xin
Để giải quyết vấn đề, trước đó Youtube đã tuyên bố chặn tất cả các video đưa tin giả về vắc-xin COVID-19. Hành động được cho là để đáp lại các cáo buộc rằng mạng xã hội này phải chịu trách nhiệm cho tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Mỹ, do người dân xem quá nhiều các video có nội dung sai sự thật trên Youtube gây ra tâm lý hoài nghi và do dự vắc-xin.
Với chính sách xuyên suốt của mình là hạn chế kiểm duyệt nội dung quá nặng nề, Youtube chỉ chặn các video đưa tin giả về vắc-xin COVID-19 nói riêng, mà vẫn để lại các video đưa tin giả về các loại vắc-xin khác như sởi hoặc thủy đậu.
Matt Halprin, phó chủ tịch phụ trách vấn đề an toàn và tin cậy của nội dung Youtube trên toàn cầu thừa nhận đó là một sự chậm trễ của họ. Phải đến tận bây giờ khi nhận ra tin giả về các loại vắc-xin khác cũng góp phần gây ra lo ngại về vắc-xin COVID-19, Youtube mới mở rộng lệnh cấm của mình.
"Việc xây dựng các chính sách mạnh mẽ này cần phải có thời gian. Chúng tôi muốn đưa ra một chính sách toàn diện, có thể thực thi một cách nhất quán và giải quyết được toàn bộ thách thức đặt ra", Halprin nói.
"Cập nhật chính sách hôm nay là một bước quan trọng để giải quyết thông tin sai lệch về vắc-xin cũng như thông tin sức khỏe trên nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư toàn diện vào các chính sách và sản phẩm để mang lại thông tin chất lượng cao cho người xem và toàn bộ cộng đồng Youtube", thông cáo báo chí cho biết.
Các nội dung nào được phép xuất hiện trên nền tảng?
Theo Halprin, để duy trì một nền tảng mở cho phép mọi người có quyền tự do ngôn luận, Youtube vẫn sẽ cho phép các nội dung chia sẻ về vắc-xin dưới phương diện cá nhân. Chẳng hạn như một bà mẹ có thể đăng tải video nói về tác dụng phụ mà con mình gặp phải sau khi tiêm vắc-xin.
"Thảo luận khoa học về vắc-xin, đăng tải những thành công và cả thất bại trong lịch sử tiêm chủng cũng sẽ được cho phép", Halprin nói. "Chúng tôi chỉ xóa các video tuyên bố vắc-xin nguy hiểm hoặc gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như vắc-xin gây bệnh tự kỷ, ung thư, vô sinh hoặc chứa vi mạch".
Youtube đang duy trì một đội ngũ kiểm duyệt lên tới hàng trăm người chỉ tập trung vào việc gỡ bỏ các video chứa thông tin sai lệch về y tế trên nền tảng của mình. Trong đại dịch, Halprin cho biết họ đã gỡ ít nhất 133.000 video vi phạm chính sách của mình liên quan đến vắc-xin COVID-19.
Nỗ lực trong chính sách mới lần này của Youtube được các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông đánh giá cao. Trước đó vào tháng 2 và tháng 3, Facebook và Twitter cũng đã lần lượt đưa ra các chính sách xóa mọi bài đăng chứa tuyên bố sai sự thật về vắc-xin và virus.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cuộc chiến với tin giả trong lĩnh vực sức khỏe và y tế vẫn sẽ còn kéo dài. Đó là bởi các nền tảng mạng xã hội đã để những người lan truyền tin giả tồn tại đủ lâu để xây dựng được một cộng đồng.
Một khi cộng đồng chống vắc-xin đã hình thành, họ thường tồn tại ngay cả khi bị xóa khỏi các nền tảng như Youtube, Hany Farid, một giáo sư nghiên cứu tin giả tại Đại học California cho biết. Những người nổi tiếng chống vắc-xin bị cấm trên Youtube có thể sẽ chuyển sang các nền tảng khác như Telegram hoặc Gab, nơi họ ít bị kiểm duyệt hơn.
"Những thuyết âm mưu này không biết mất khi chúng ngừng xuất hiện trên Youtube. Một khi bạn đã tạo ra được cộng đồng, bạn sẽ tạo ra được chất độc. Và sau đó, chất độc sẽ chỉ chảy từ nền tảng này qua nền tảng khác", giáo sư Farid nói.
Tham khảo Nytimes, Washingtonpost
Theo Thanh Long (Pháp Luật & Bạn Đọc)