Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nhắm vào người dùng TikTok

23/09/2024 16:00:01

Với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới, đối tượng nhắn tin mời người dùng TikTok thử nghiệm phiên bản mới để lừa họ tải ứng dụng giả mạo chứa mã độc, từ đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị.

Trong thông tin mới chia sẻ, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, thời gian gần đây, ban quản trị ứng dụng TikTok đã đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới, dụ dỗ người dùng tải về phần mềm giả mạo có chứa mã độc.

Các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhận định, với việc sở hữu lượng người dùng đông đảo, cũng như các nền tảng mạng xã hội lớn khác, TikTok đang trở thành nền tảng được nhiều đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nhắm vào người dùng TikTok
Cũng như các nền tảng mạng xã hội lớn khác, TikTok đang là nơi được nhiều đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa: NCSC

Với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới xuất hiện liên quan đến ứng dụng TikTok, chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia phân tích: Sử dụng những tài khoản TikTok giả mạo hệ thống ứng dụng, các đối tượng lừa đảo chủ động nhắn tin tiếp cận người dùng, thông báo nạn nhân là một trong những người được chọn tham gia chương trình trải nghiệm TikTok phiên bản mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Để thu hút sự quan tâm của nạn nhân, các đối tượng hứa hẹn phiên bản mới của ứng dụng sẽ đem lại sự mới mẻ cho trải nghiệm của người dùng với giao diện cùng nhiều tính năng mới.

Trong một số trường hợp, với mục đích gia tăng mức độ uy tín và dễ dàng hơn trong việc kêu gọi người dùng tham gia, các đối tượng còn mượn danh người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội – KOLs.

Tuy nhiên, sau khi người dùng truy cập vào đường dẫn được các đối tượng lừa đảo đính kèm trong tin nhắn, họ sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ email... để được tải xuống phiên bản cập nhật của ứng dụng TikTok.

Sau khi người dùng tải ứng dụng giả mạo có chứa mã độc, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp thông tin và dữ liệu cá nhân của nạn nhân.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo mới kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng TikTok cũng như người dùng các nền tảng mạng xã hội khác cần nâng cao cảnh giác hơn nữa; cẩn trọng xác thực danh tính của người gửi khi nhận được tin nhắn.

Người dùng cũng cần lưu ý không truy cập vào đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh được tính chính thống của website, và đặc biệt là không tải về các ứng dụng từ nguồn không xác định.

Người dùng chỉ nên tải về ứng dụng từ hệ thống cửa hàng App Store (với người dùng iPhone) và CH Play (với người dùng thiết bị chạy hệ điều hành Android).

Ngoài ra, trong trường hợp nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dùng cần nhanh chóng báo cáo tài khoản của đối tượng lạ để đội ngũ quản trị viên kịp thời xử lý và ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Theo thống kê, trong 2 tuần đầu tháng 9/2024, hệ thống tiếp nhận cảnh báo an toàn thông tin mạng tại địa chỉ canhbao.khonggiamang.vn đã ghi nhận gần 950 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Qua phân tích, kiểm tra của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong số các trường hợp được người dùng phản ánh, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, sàn thương mại điện tử…

Theo Vân Anh (VietNamNet)