Kể từ cuối năm 2020, tình trạng thiếu nguồn cung chip xử lý và tăng giá thành đã trở thành vấn đề chung của ngành sản xuất chất bán dẫn. Nhiều nhà sản xuất đang phải chật vật tìm biện pháp khắc phục.
Sony là một ví dụ điển hình, vì công ty Nhật Bản này đang gặp khó khăn trong việc mua chip để sản xuất PS5. Nvidia cũng tương tự, khi mà nguồn cung chip để sản xuất dòng VGA RTX 30xx đang ngày càng thiếu hụt.
Giờ đây, các nhà sản xuất smartphone cũng bắt đầu phải hứng chịu hậu quả. Theo China Business News, ngành công nghiệp smartphone hiện đang sử dụng nguồn cung chip bán dẫn lớn nhất. Do đó mà chip xử lý cho smartphone vẫn luôn trong tình trạng khan hàng.
Vừa mới đây, Xiaomi tiết lộ dòng Redmi K40 sẽ được trang bị chip xử lý cao cấp là Qualcomm Snapdragon 888 và Snapdragon 870. Realme cũng chuẩn bị trình làng chiếc smartphone flagship Realme GT 5G. Và cả 2 công ty này đều phải thừa nhận một thực tế là thị trường chip xử lý di động đang thiếu hụt rất nghiêm trọng.
Trong một hội nghị nói về Redmi K40, Chủ tịch Lu Weibing của Xiaomi đã cho biết: “Năm nay chip xử lý di động đang bị thiếu hụt rất nghiêm trọng. Tôi sẽ không dám hứa trước rằng nguồn cung smartphone sẽ có thể đáp ứng đủ trong năm nay”.
Phát ngôn viên của Realme thì cho biết: “Các chip xử lý chính và linh kiện nhỏ của Qualcomm đã hết hàng, bao gồm cả chip quản lý điện năng và tần số vô tuyến”.
Theo nguồn tin từ chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp smartphone, Qualcomm đã phải kéo dài thời gian giao hàng lên tới 30 tuần. Trong khi các nhà sản xuất smartphone như Xiaomi, Realme, Huawei, OPPO, Vivo và OnePlus tiếp tục tăng số lượng danh mục sản phẩm của mình. Tình trạng mất cân bằng cung cầu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cho biết: “Hiện tại, bộ vi xử lý di động, chip quản lý nguồn và chip vi xử lý MCU đều đã hết hàng”. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt số lượng smartphone, đến từ rất nhiều thương hiệu khác nhau.
Tham khảo: gizchina
Theo TVD (Pháp Luật & Bạn Đọc)