Khi nghĩ đến việc mua một chiếc điện thoại thông minh mới, hai cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là Samsung và Apple. Hai gã khổng lồ công nghệ này là đối thủ kinh doanh lâu đời nổi tiếng với việc thúc đẩy đổi mới công nghệ bằng các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến.
Nhưng khi các thương hiệu Trung Quốc mới gia nhập thị trường, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt chưa từng thấy. Câu hỏi đặt ra là sự bùng nổ của các thương hiệu Trung Quốc đến từ đâu, tại sao họ đạt được thành công đến như vậy và vì sao giá điện thoại của họ luôn rẻ?
Đế chế BBK
Rất có thể bạn đã từng nghe đến ít nhất một thương hiệu trong số này: OnePlus, Oppo, Vivo và Realme. Tất cả các thương hiệu mới nổi nói trên đều là công ty con của BBK Electronics có trụ sở tại Quảng Đông, do doanh nhân Đoàn Vĩnh Bình sáng lập.
Có thể bạn chưa bao giờ nghe qua BBK, nhưng đây chính là tập đoàn đa quốc gia sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào quý 1 năm 2021, vượt mặt cả những gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng nhất.
BBK có thể không phải là cái tên nổi tiếng toàn cầu, nhưng các thương hiệu con của công ty đang khẳng định vị thế của mình trong thế giới công nghệ. Sự phát triển này nhanh đến mức các thương hiệu con đang trở thành các công ty độc lập, hoàn chỉnh và riêng biệt.
Ví dụ, Realme là một thương hiệu con trước đây của Oppo. Và iQOO, một thương hiệu con của Vivo, cũng đang trên con đường trở thành một công ty độc lập. Trên lý thuyết, các công ty con này có vẻ xa cách, nhưng họ kết nối và hợp tác chặt chẽ với nhau để chia sẻ ý tưởng, chuyên môn và chiến lược.
Hướng đi thiên tài của các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc
Khi nhìn kỹ vào bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ nhận ra cách làm thiên tài đằng sau những nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc này.
Hãy hình dung một cách đơn giản rằng, càng có nhiều thương hiệu con trên thị trường kết nối và chia sẻ tài nguyên, chuyên môn với nhau, thì họ càng dễ tránh thua lỗ. Theo đó, khi một đòn giáng nhắm đến một thương hiệu, tác động đó sẽ phân tán và được các thương hiệu khác hấp thụ.
Đây là một trong những lý do lớn nhất cho thành công vang dội của BBK. Để hiểu cách gã khổng lồ này đang thay đổi ngành công nghiệp công nghệ thế nào, hãy xem xét kỹ hơn số liệu thống kê thị phần điện thoại thông minh toàn cầu quý 1 năm 2021.
Theo Make Use Of, tổng thị phần của ba công ty con của BBK (Oppo, Vivo và Realme) đạt mức ấn tượng là 25%—đánh bại những gã khổng lồ như Samsung với 22%, Apple với 17% và đối thủ cạnh tranh Xiaomi (cũng là một thương hiệu Trung Quốc) với 14%. Đừng quên là con số trên vẫn chưa cộng thêm thị phần của OnePlus.
Nếu để ý, có thể thấy Xiaomi và BBK áp dụng cùng một chiến lược khi nói đến việc thâm nhập thị trường: chia để trị. Điều tương tự cũng thấy rõ ở các thương hiệu của Xiaomi như Mi, POCO, Redmi và thương hiệu Black Shark do công ty này sở hữu một phần, tất cả đều hướng đến việc phục vụ một đối tượng cụ thể và một mục đích cụ thể.
Trong trường hợp của các thương hiệu BBK, Oppo và Vivo được định vị là những thương hiệu sáng tạo, tức là những thương hiệu đầu tư vào R&D và đưa ra các công nghệ mới. OnePlus được định vị để cung cấp trải nghiệm điện thoại thông minh cao cấp với mức giá cạnh tranh. Và Realme được định vị là một thương hiệu thân thiện với ngân sách dành cho những người mua có ý thức về giá.
Điện thoại Trung Quốc cạnh tranh với các "ông lớn" thế nào?
Chắc hẳn ai cũng nhận thấy hầu hết các thương hiệu Trung Quốc dường như đang nhắm đến một mục tiêu rất cụ thể: bán khối lượng lớn các sản phẩm có giá trị cho người mua có ý thức về giá để thiết lập vị thế. Có ba yếu tố chính cần lưu ý trong mục tiêu này: đối tượng, chiến lược và thông điệp.
Người tiêu dùng ngày nay có đủ các công cụ và kiến thức cần thiết để biết cách mua hàng thế nào là khôn ngoan nhất. Điều này đặc biệt đúng trong thị trường Châu Á có tính cạnh tranh cao với nhu cầu cực kỳ linh hoạt, nơi các thương hiệu Trung Quốc cung cấp giá trị lớn để xây dựng danh tiếng.
Chỉ cần một thay đổi nhỏ về giá của một sản phẩm là có thể tác động lớn đến số lượng đơn vị bán ra của sản phẩm đó. Các thương hiệu Trung Quốc tận dụng công thức này bằng cách giảm giá để bóp nghẹt đối thủ cạnh tranh ngay khi họ thâm nhập vào một thị trường mới.
Vì châu Á có dân số đông đảo, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, các thương hiệu có lợi thế là chơi theo số lượng. Họ có thể đủ khả năng bán thiết bị của mình với mức lợi nhuận thấp hơn nếu điều đó giúp cho thiết bị sẽ bán được số lượng lớn.
Đối với các thương hiệu giá rẻ như Redmi và Realme, mục tiêu không phải là kiếm lợi nhuận từ phần cứng. Thay vào đó, họ kiếm lợi nhuận từ các quảng cáo tích hợp và các ứng dụng bloatware được cài đặt sẵn.
Vì vậy, cách hợp lý để đạt được mục tiêu đó là đưa điện thoại của họ đến tay càng nhiều người càng tốt, sử dụng hàng loạt sự kết hợp với người nổi tiếng và tài trợ sự kiện. Ngoài ra, họ lựa chọn lợi thế của người đi sau để tránh rủi ro đầu tư vào R&D cho những sáng kiến có thể thất bại.
Một trong những lợi thế lớn nhất của việc có nhiều thương hiệu con là mỗi thương hiệu có thể được sử dụng để tạo, tiếp thị và khai thác hình ảnh thương hiệu theo cách độc đáo.
Hãy lấy OnePlus làm ví dụ. Khi mới bắt đầu, công ty này định vị mình là một thương hiệu dành cho người đam mê công nghệ với những khẩu hiệu hấp dẫn như "Never Settle" và "Flagship Killer".
Công ty đã lắng nghe phản hồi và cung cấp trải nghiệm điện thoại thông minh cao cấp với mức giá tuyệt vời. Hiện tại, sau nhiều năm, OnePlus đã phát triển thành một thương hiệu chính thống.
Vấn đề ở đây là các thương hiệu Trung Quốc có xu hướng tập trung nhiều hơn vào cộng đồng và lấy khách hàng làm trung tâm, đây là một chiến lược tuyệt vời cho thị trường châu Á phát triển nhanh.
Các thương hiệu Trung Quốc tiết kiệm chi phí thế nào?
Chúng ta đã thấy các nhà sản xuất Trung Quốc hưởng lợi như thế nào khi giữ mức lợi nhuận thấp trên điện thoại, nhưng đó chỉ là một nửa câu chuyện. Họ cũng tiết kiệm chi phí bằng cách tận dụng chi phí lao động thấp trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, họ còn được hưởng mức phí vận chuyển thấp hơn vì thị trường mục tiêu chính là các nước châu Á lân cận như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Indonesia, v.v. Điều này cũng giúp họ dễ dàng thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài để tránh thuế nhập khẩu cao.
Tất cả những khoản tiết kiệm này sau đó được chuyển cho người tiêu dùng bằng cách làm cho sản phẩm rẻ hơn. Để so sánh, việc nhắm mục tiêu vào các thị trường xa xôi như Mỹ và Canada sẽ đòi hỏi chi phí thu hút khách hàng cao hơn nhiều.
Các thương hiệu Trung Quốc có thể không phải là lựa chọn đầu tiên của mọi người, đặc biệt là ở Mỹ. Nhưng trong một thị trường phát triển nhanh như Ấn Độ, họ đang đánh dấu lãnh thổ của mình khá nhanh chóng, đến mức đẩy lùi các thương hiệu quốc tế và hoàn toàn xóa sổ đối thủ cạnh tranh địa phương.
Nhưng đổi lại điện thoại giá rẻ của Trung Quốc cũng sẽ gây ra những phiền phức cho người dùng ở mức độ nào đó, như nhiều quảng cáo và phần mềm rác tích hợp, một số trong đó không thể tắt hay xóa, làm tốn bộ nhớ và dẫn đến trải nghiệm hệ điều hành kém.
Đó là những điều đáng cân nhắc nếu bạn đang nghĩ đến việc mua điện thoại từ một thương hiệu Trung Quốc.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)