Bộ trưởng Bộ Y tế Anh, Matt Hancock, cho biết: "Nếu chúng tôi nghĩ các mạng xã hội cần phải hành động trong những việc mà họ từ chối, chúng tôi sẽ phải đưa ra biện pháp mạnh bằng luật pháp. Nhưng đó không phải hoàn toàn là điều chúng tôi muốn". Bộ Y tế Anh trước đó đã đưa yêu cầu các mạng xã hội lớn phải thanh lọc các nội dung quảng bá hành vi tự hành xác bản thân và tự tử sau vụ việc của một thiếu niên tự tử vào cuối năm 2017 sau khi xem các hình ảnh có liên quan tới chủ đề trên.
Phụ huynh của cô bé Molly Russell cho rằng Instagram có vai trò trong việc thúc đẩy cô bé tìm tới cái chết. Mạng xã hội này đã phản hồi rằng họ đang phối hợp cùng các chuyên gia trong việc tìm ra cách thức tiếp cận với vấn đề phức tạp và đa sắc thái của bệnh lý tâm thần và ngược đãi bản thân. Lời khuyến nghị từ các chuyên gia cho rằng việc chia sẻ câu chuyện và kết nối với người khác có thể đem lại hiệu quả hồi phục, Instagram sẽ không xử lý một số nội dung cụ thể. Thay vào đó, những người đăng tải hay tìm kiếm thông tin liên quan sẽ nhận được các tin nhắn giới thiệu họ tới các nhóm tư vấn hỗ trợ.
Facebook, chủ sở hữu Instagram, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước hiện tượng này và khẳng định các nội dung hình họa mang tính kích động sẽ không thể tồn tại trên nền tảng của họ. Chính sách thực thi và công nghệ của Instagram sẽ được xem xét lại cẩn thận.
Trong một lá thư gửi tới Twitter, Snapchat, Pinterest, Apple, Google và Facebook, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh bày tỏ sự đồng tình với các biện pháp đang được triển khai, nhưng nhấn mạnh cần phải có nhiều động thái mạnh mẽ hơn. Ngài Matt Hancock chia sẻ: "Thật đáng sợ khi nhìn thấy cách thức dễ dàng tìm kiếm các nội dung trực tuyến và tôi không hề nghi ngờ về tác hại của nhiều nội dung này có thể gây ra, đặc biệt với giới trẻ. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội cần phải can thiệp và xử lý triệt để". Chính phủ Anh đang nghiên cứu và xây dựng một tài liệu về các mối nguy hại trực tuyến, bao gồm các nội dung tự ngược đãi bản thân và tự tử.
Theo A.M (Ictnews.vn)