Pi Network là tên gọi của ứng dụng đào “tiền ảo” Pi. Đây là đồng "tiền ảo" được quảng cáo sẽ tự sinh ra dựa trên thời gian duy trì ứng dụng này trên điện thoại. Người dùng chỉ cần vào ứng dụng Pi Network để điểm danh một lần mỗi ngày.
Theo thống kê của Similarweb, “minepi” - trang web chính của cộng đồng Pi Network có khoảng 3,4 triệu lượt truy cập trong tháng 7/2022. Lượng truy cập website của Pi Network đã giảm so với năm ngoái, nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng gần đây.
Đáng chú ý khi cộng đồng người quan tâm đến Pi Network tại Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá cao. Số liệu của Similarweb cho thấy, xét theo nguồn lưu lượng, Việt Nam đang đứng thứ 2 (chiếm 6,84%) thế giới về lượng truy cập vào website của Pi Network.
Số người truy cập vào website “minepi” tại Việt Nam chỉ thấp hơn Mỹ (chiếm 8,26%). Ba quốc gia còn lại trong top 5 lượng truy cập vào “minepi” còn có Ukraine (6,12%), Indonesia (5,06%) và Argentina (4,59%).
Được quảng cáo là “đào” miễn phí và có thể thay thế Bitcoin trong tương lai, Pi Network đã thu hút được một lượng người dùng đông đảo không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo công bố của Pi Network, cộng đồng người sử dụng Pi đã tăng lên 35 triệu người. Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong nước đã từng đặt nghi ngờ về mức độ minh bạch cũng như khả năng bảo mật của ứng dụng này.
Dù được giới thiệu là một loại tiền số, thế nhưng Pi chưa từng được niêm yết trên một sàn giao dịch nào. Hiện người dùng của Pi Network chỉ có thể gửi đồng Pi cho nhau thông qua mạng lưới nội bộ.
Để chuyển Pi cho nhau, tài khoản của người tham gia phải được xác thực (KYC). Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, chỉ mới có hơn 1 triệu trong tổng số 35 triệu “Pi thủ” được xác thực tài khoản.
Trong thời gian gần đây, tại các hội nhóm trên mạng, nhiều thành viên trong cộng đồng Pi Network đã tự mình đưa ra mức định giá Pi. Đây là mức giá do người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau và thường được gọi bằng cụm từ “giá đồng thuận”.
Sau khi có “giá đồng thuận”, nhiều người đã sử dụng đồng Pi để trao đổi lấy hàng hóa, sản phẩm. Đây là hành vi thanh toán bằng phương tiện bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)