Chiều 21/9 (giờ địa phương), tại thành phố New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có Apple.
Thông tin về tình hình của Apple, ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu và các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cho biết, Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng và hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác; sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức thời gian qua khẳng định sự tin tưởng của Tập đoàn với thị trường Việt Nam; đánh giá cao sự hỗ trợ, tạo thuận lợi của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch vừa qua.
Ông khẳng định, Apple rất quan tâm chiến lược năng lượng sạch của Việt Nam và việc thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam; đồng thời mong muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là đội ngũ nhân lực phát triển các phần mềm. Ông cho rằng Việt Nam đã có đội ngũ nhân lực khá hùng hậu trong lĩnh vực kinh tế số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao những thành công của Tập đoàn Apple trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam thời gian qua; ghi nhận các đề xuất của Tập đoàn; hoan nghênh tập đoàn tăng cường sử dụng năng lượng sạch thông và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thủ tướng đề nghị Apple tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác đầu tư, tăng cường nội địa hóa; đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và đối tác của Apple tăng cường đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất để tăng cường sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tư vấn và nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng như chuyển giao công nghệ mới.
Thủ tướng mong muốn Apple đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất của Tập đoàn Apple.
Trong một diễn biến khác, theo chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức" diễn ra hôm 5/9 vừa qua, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường Châu Âu, Châu Mỹ cho biết, thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Đến nay Tập đoàn Apple của Hoa Kỳ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
Trước đó, trong một bài chia sẻ nhân chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Steven Cranwell, Tổng Giám đốc khu vực châu Mỹ, kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ (Ngân hàng Standard Chartered) cho biết, các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sang thị trường sang Việt Nam. Ông lấy ví dụ, mặc dù Apple chưa có nhà máy tại Việt Nam, nhưng hiện tại đã có 32 công ty với 160.000 công nhân sản xuất và lắp ráp các bộ phận linh kiện cho các sản phẩm của Apple tại Việt Nam.
Apple hiện có giá trị vốn hoá 2,86 nghìn tỷ USD, doanh thu 394,3 tỷ USD với khoảng 164.000 nhân viên. Tại Việt Nam, Apple hoạt động chủ yếu thông qua 32 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc. Các doanh nghiệp có nhà máy chế tạo sản phẩm Apple như Lux Share, Foxconn, Compal, GoerTek…
Những sản phẩm được gia công, lắp ráp tại các nhà máy của đối tác Apple tại Việt Nam bên cạnh iPad, AirPods, những thiết bị yêu cầu độ chính xác cao như MacBook, Apple Watch cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Apple tại Việt Nam đạt khoảng 30 tỷ USD. Theo đánh giá của JP Morgan, đến năm 2025, Việt Nam dự kiến đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% lượng MacBook và 65% AirPods.
Theo Pha Lê (Phụ Nữ Số)