Theo kết quả khảo sát mới đây của hãng nghiên cứu thị trường IDC, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G ở Việt Nam trong năm 2017 là 35-37 Mbps, cao gấp 3,5 – 4 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Đây là con số khá thấp nếu so với tiêu chuẩn mạng 4G thực sự được Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) công bố là gấp 7-10 lần so với mạng 3G và cũng thấp hơn so với tốc độ 4G trong giai đoạn thử nghiệm của các nhà mạng.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế về 4G/5G 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng tốc độ 4G đang cung cấp ở Việt Nam hiện chưa đạt đủ chất lượng 4G thực sự do bị giới hạn về băng tần.
Hiện tại, các nhà mạng Việt Nam đang cung cấp dịch vụ 4G ở duy nhất băng tần 1800 MHz, chưa được cấp các băng tần cao hơn là 2300 MHz và 2600 MHz. Với dịch vụ 4G, băng tần cao mang lại lưu lượng lớn hơn so với các băng tần thấp và là những băng tần được tối ưu dùng cho các khu vực đô thị.
Từ năm ngoái, Việt Nam đã có dự định đấu giá băng tần 2600 MHz cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G. Tuy vậy, ông Đoàn Quang Hoan cho biết việc đấu giá này đã bị dừng lại do Luật Đấu giá Tài sản công thay đổi. Băng tần là tài sản công quý hiếm của nhà nước nên phải chờ điều chỉnh theo những thay đổi của luật. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu điều chỉnh theo những thay đổi của Luật Đấu giá Tài sản công mới để tiến hành đấu giá băng tần 2600 MHz trong thời gian tới.
Cùng với băng tần cao 2600 MHz, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có kế hoạch đấu giá băng tần thấp 700 MHz trong năm nay để phục vụ cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ di động. Băng tần 700 MHz là băng tần vừa được giải phóng từ việc chuyển các dịch vụ truyền hình analog sang điện tử. Đây là băng tần có khả năng phủ sóng tốt nhất và được tối ưu cho việc phủ sóng di động ở các vùng nông thôn.
Bên cạnh vấn đề băng tần, các chuyên gia cho rằng mạng 4G tại Việt Nam còn khá mới, chỉ khoảng 18 tháng nên cần có thời gian để các nhà mạng cải thiện chất lượng dịch vụ.
"Trong giai đoạn đầu, các nhà mạng tập trung vào việc triển khai trên diện rộng và mở rộng độ phủ", ông Thiều Phương Nam, giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ. "Hiện giờ mới là giai đoạn các nhà mạng tối ưu mạng lưới hạ tầng LTE đã triển khai."
Đại diện Qualcomm cũng chia sẻ các kỹ Qualcomm đang làm việc với ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam là Viettel, VNPT và MobiFone để tối ưu hóa hạ tầng mạng lưới. Các dự án tối ưu hóa của các nhà mạng để cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ 4G thường kéo dài 3-5 tháng.
Theo đại diện Qualcomm, thiết bị đầu cuối từ phía người dùng cũng đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ 4G. Ở nhiều quốc gia, các nhà mạng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các thiết bị đầu cuối di động bán trên thị trường để phù hợp với băng tần dịch vụ được cung cấp tại quốc gia đó. Trong khi đó ở Việt Nam, thị trường rất mở và các nguồn thiết bị di động đầu cuối đa dạng nên khó kiểm soát chất lượng cũng như độ phù hợp về băng tần của các nhà mạng.
Mạng 4G hiện tại đã phủ sóng 95% dân số ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện chưa có con số chính thức nhưng theo các chuyên gia ước tính, cả nước hiện có khoảng 10 triệu bao 4G sau một năm rưỡi cung cấp dịch vụ, con số còn nhỏ so với tổng số thuê bao di động tới hơn 100 triệu thuê bao.
Theo TT (Vnreview.vn)