Một công ty ít người biết đến của Trung Quốc cho biết, họ vừa khởi kiện Apple và đang xin lệnh của tòa về việc dừng sản xuất iPhone ở Trung Quốc, do các cáo buộc liên quan đến việc người khổng lồ công nghệ này vi phạm bản quyền sáng chế của họ.
Công ty gần như vô danh này có tên Xiao-I Robot (tên đầy đủ là Shanghai Zhizhen Network) vào năm ngoái đã từng không thành công trong nỗ lực chặn việc bày bán mọi thiết bị có Siri ở Trung Quốc, khi cho rằng trợ lý ảo của Apple xâm phạm bằng sáng chế về "robot trò chuyện" của họ.
Tuy nhiên, vụ kiện này sau đó kết thúc với kết quả bất phân thắng bại. Trong lần xử đầu tiên, Apple yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu bằng sáng chế, nhưng thẩm phán từ chối yêu cầu này và cho rằng nó hợp lệ. Sau đó, Xiao-I cũng thất bại trong việc thuyết phục tòa án ban hành lệnh cấm bán iPhone tại Trung Quốc, cho dù không cho biết Siri có vi phạm bằng sáng chế của họ hay không.
Giờ đây công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc này lại yêu cầu tòa án Thượng Hải ra phán quyết về việc ngừng sản xuất, buôn bán và xuất khẩu iPhone ở quốc gia này do các tranh chấp kéo dài về bằng sáng chế liên quan đến trợ lý ảo Siri. Quan trọng hơn cả khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày dự kiến tổ chức sự kiện giới thiệu iPhone mới của năm nay.
Trong tuyên bố của mình, CEO của Xiao-I, Yuan Hui cho biết Apple không tôn trọng tài sản trí tuệ của công ty, vì vậy Yuan cho rằng "Apple nên dừng ngay các hành vi vi phạm, gỡ bỏ và ngừng bán các sản phẩm liên quan".
Thời điểm của vụ kiện này rõ ràng là một động thái nhằm gia tăng tối đa sức ép lên Apple để buộc họ đồng ý dàn xếp với vụ kiện để tránh nguy cơ gián đoạn hoạt động sản xuất vào thời điểm quan trọng nhất trong năm này. Điều này là một rủi ro nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi các tòa án thường ưu ái các công ty địa phương hơn là các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, Apple cũng thường là công ty chọn cách chiến đấu đến cùng trong các vụ kiện này thay vì nhân nhượng đối thủ. Một cựu giám đốc Apple, người từng làm việc trực tiếp với CEO Tim Cook cho biết, vị CEO này rất ghét bị bắt nạt hoặc đe dọa tống tiền và không bao giờ nhân nhượng cho những nỗ lực như vậy. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng không muốn gây rủi ro cho hoạt động sản xuất xuất khẩu của mình, với phần đóng góp không nhỏ từ các hoạt động liên quan đến Apple.
Theo Nguyễn Hải (Pháp Luật & Bạn Đọc)