Tại sao lại là Twitter?
Trên thực tế, Twitter có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các nền tảng mạng xã hội khác. Cơ sở người dùng và giá trị thị trường của công ty chỉ bằng 1/10 Meta (công ty mẹ của Facebook). Số lượng người dùng hàng ngày của Twitter đạt 217 triệu người, trong khi Facebook là 1,93 tỷ.
Điều khiến Twitter trở nên khác biệt đó là người dùng của nền tảng bao gồm những những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng từ các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp cho đến các nghệ sĩ giải trí. Họ sử dụng Twitter để bày tỏ quan điểm của mình trên nhiều lĩnh vực: chính trị, truyền thông, tài chính và công nghệ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn 2/3 người dùng Twitter tại Mỹ cho biết nền tảng này là một nguồn tin tức quan trọng.
Sự ảnh hưởng quá lớn của Twitter với các cuộc thảo luận của công chúng là lý do khiến Elon Musk không ngại “xuống tiền” để giành quyền kiểm soát độc nhất nền tảng. Bên cạnh đó, việc được đặt lại những quy tắc cho Twitter cũng là điều mà Elon Musk quan tâm.
Thương vụ thâu tóm Twitter của Musk làm dấy lên nhiều tranh luận về các vấn đề bao gồm quyền lực và ảnh hưởng của các tỷ phú, tác động của thông tin sai lệch và trách nhiệm của các nền tảng công nghệ đối với người dùng.
Adam Connor, cựu nhân viên Facebook và phó chủ tịch phụ trách chính sách công nghệ tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết: “Việc Elon Musk đưa Twitter trở thành công ty tư nhân khiến một dịch vụ thiết yếu trở nên kém minh bạch và khó chịu trách nhiệm hơn. Việc giao nền tảng trực tuyến vào tay các tỷ phú là điều nguy hiểm”. Musk đã không đưa ra phản hồi về bình luận này.
Đưa Twitter trở thành “quảng trường kỹ thuật số”
Elon Musk nói rằng nỗ lực sở hữu Twitter của mình cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền văn minh nhân loại vì thế giới cần một “quảng trường kỹ thuật số” ủng hộ tự do ngôn luận.
Khi Musk lên nắm quyền, ông sẽ nới lỏng các quy định về kiểm duyệt nội dung, hạn chế việc xóa bài đăng và cấm các tài khoản vĩnh viễn. Ông cũng đã đề xuất thêm các thuật toán mở trên Twitter để tăng độ tin cậy với người dùng.
Một trong những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm đó là liệu công ty có khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không.
Ông Trump đã sử dụng Twitter như một công cụ giao tiếp chính trong suốt nhiệm kỳ trước khi bị khóa tài khoản vì cuộc bạo loạn diễn ra vào ngày 6/1/2021. Kể từ khi bị cấm, ông Trump đã tạo ra mạng xã hội Truth Social của riêng mình. Ông còn thậm chí quả quyết rằng sẽ không quay lại Twitter nếu Elon Musk lên nắm quyền và mở lại tài khoản của ông.
Ngược lại, một số nhân vật đã có tài khoản bị cấm trên Twitter lại tỏ ra vui mừng khi thương vụ thành công, một số như Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene bày tỏ sự lạc quan rằng quyền truy cập của họ có thể sớm được khôi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên một số lo ngại cho rằng đối với một nền tảng có sức ảnh hưởng như Twitter, việc nới lỏng kiểm duyệt nội dung có thể gây ra những hậu quả lớn đối với trải nghiệm cá nhân của người dùng, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, cộng đồng LGBTQ và người da màu, châm ngòi cho các cuộc tranh luận trong và ngoài nước, cuối cùng là ảnh hưởng đến các sự kiện thế giới.
Đòn bẩy cho doanh nghiệp
Thâu tóm Twitter sẽ giúp Elon Musk có đòn bẩy chính trị mới, điều này có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà Musk sở hữu như Tesla và SpaceX.
Lập trường của Musk về việc nới lỏng kiểm duyệt nội dung đã nhận được sự ủng hộ từ Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và các thành viên Đảng Cộng hòa Hạ viện, những người đã gây áp lực buộc hội đồng quản trị của Twitter phải chấp nhận thỏa thuận với lý do việc từ chối có thể bị coi là “phản bội lợi ích của cổ đông”.
Một câu hỏi được tỷ phú Jeff Bezos - người sở hữu Blue Origin đối thủ cạnh tranh với SpaceX đặt ra: “Trung Quốc – thị trường xe điện lớn thứ hai của Tesla có thể đạt được bất kỳ ưu ái nào trên Twitter thông qua thương vụ thâu tóm này hay không?”.
“Có lẽ là không. Kết quả liên quan tới mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Tesla thay vì chế độ kiểm duyệt của Twitter. Nhưng hãy chờ xem vì Musk rất giỏi thương thuyết trong những tình huống phức tạp”, ông Jeff bày tỏ quan điểm trong các bình luận trên Twitter.
Trước đó vào năm 2009, Trung Quốc đã cấm Twitter hoạt động trên lãnh thổ quốc gia.
Ngay cả khi Twitter của Musk từ chối yêu cầu kiểm duyệt từ các chế độ độc tài, công ty có thể đưa ra những nhượng bộ khác. Như Brad Stone của Bloomberg đã lưu ý, Twitter đã có chính sách gắn nhãn các tổ chức truyền thông nhà nước và tài khoản chính phủ, và không quảng cáo chúng trong các khuyến nghị.
Liệu Musk có đi xa đến mức sử dụng quyền sở hữu Twitter của mình như một công cụ để ủng hộ và tạo lợi thế cho bản thân? Câu trả lời hiện chưa rõ, nhưng trước đó, Musk cho biết ông hy vọng rằng những lời chỉ trích tồi tệ nhất về mình vẫn tồn tại trên Twitter vì đó là quyền tự do ngôn luận.
Theo Hương Dung (VietNamNet)