Vì sao kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân lập tài khoản mới mà không trực tiếp rút tiền từ tài khoản cũ, dù đã chiếm được quyền kiểm soát điện thoại?

05/04/2024 11:50:36

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia đã giải đáp điều khiến nhiều người dân rất thắc mắc về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Một vụ việc điển hình về lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng điện thoại để rút tiền trong tài khoản ngân hàng là trường hợp bà bà T.T.C ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã gửi 26,56 tỷ đồng vào ngân hàng rồi bị rút sạch trong vòng 3 ngày.

Trong đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng, bà T.T.C cho biết, khi bà đang ở Bắc Ninh thì nhận được một cuộc gọi từ người giọng nữ tự xưng là thanh tra giao thông tại Đà Nẵng cáo buộc bà gây tai nạn giao thông chết người và yêu cầu đến trình diện. Nhớ lại mình từng bị mất CMND, bà C. trao đổi với người trong điện thoại đó không phải là mình. Sau đó bà được người này hướng dẫn kết nối đến một người khác tên Hải để xử lý.

Vì sao kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân lập tài khoản mới mà không trực tiếp rút tiền từ tài khoản cũ, dù đã chiếm được quyền kiểm soát điện thoại?
Caption

Người này cho biết bà bị phạt hành chính 24 triệu và 2 năm tù giam, đồng thời yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân, thân nhân để ‘hướng dẫn’ bà C. khai báo để giải quyết.

Bà C. khai báo xong, đối tượng xưng tên Hải, nhận là cảnh sát điều tra bất ngờ thông báo bà C. người có số CMND nêu trên đang có lệnh bắt của Viện kiểm sát liên quan đến một đường dây ma túy. Người này cho bà biết đã bắt được 2 đối tượng, hai người này khai báo có tài khoản trong 2 ngân hàng với số tiền hơn 20 tỷ đồng, đứng tên bà T.T.C và đăng ký mở bằng CMND đã mất của nạn nhân.

Sau đó, đối tượng hướng dẫn bà C. "mở 2 tài khoản ở 2 ngân hàng, mỗi tài khoản có 20 tỷ đồng để tương ứng với số tiền trong tài khoản của bên kia do bên phạm tội đã có trong tài khoản mang tên T.T.C". Ngay sau khi kết thúc cuộc điện thoại, trong chiều hôm đó, bà C. vội vàng đến hai ngân hàng khác nhau mở 2 tài khoản mới bằng hộ chiếu.

Sáng hôm sau, đối tượng tiếp tục thúc giục bà mở tài khoản và gửi tiền vào. Bà C. sau đó huy động, vay mượn người thân gửi tiền vào 2 số tài khoản mới mở tại 2 ngân hàng. 3 ngày sau, bà C. đến ngân hàng để sao kê thì nhận được thông báo tài khoản không còn tiền.

Lúc này, bà C. vội chạy sang ngân hàng khác gần đó yêu cầu sao kê và báo công an. Sau khi sao kê hoàn tất, cả 2 tài khoản mới mở của bà đã bị rút sạch số tiền 26,56 tỷ đồng.

Do bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đe dọa, ép buộc, nhiều khách hàng đã đã cài phần mềm giả mạo vào máy điện thoại, khiến toàn bộ các thông tin bảo mật bị các các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Từ các thông tin bảo mật được khách hàng cung cấp đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu đã chiếm được quyền kiểm soát điện thoại, chiếm được thông tin tài khoản, tại sao kẻ lừa đảo không trực tiếp rút tiền từ tài khoản ngân hàng cũ mà thường yêu cầu nạn nhân lập tài khoản mới.

Trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia cho biết, kẻ lừa đảo thường yêu cầu mở tài khoản mới vì những lý do sau:

1. Kiểm soát dòng tiền:

* Tài khoản cũ có thể bị khóa hoặc theo dõi bởi ngân hàng.

* Mở tài khoản mới giúp kẻ lừa đảo dễ dàng chuyển tiền phi pháp và che giấu dấu vết.

2. Tạo tâm lý hoang mang:

* Kẻ lừa đảo tạo cảm giác tài khoản cũ đã bị lộ thông tin, khiến nạn nhân lo lắng và dễ tuân theo yêu cầu.

* Việc mở tài khoản mới có thể khiến nạn nhân mất tập trung, không nhận ra những chi tiết bất thường khác.

3. Khó truy vết:

* Việc chuyển tiền qua nhiều tài khoản trung gian cũng khiến việc theo dõi dòng tiền trở nên phức tạp hơn.

Nói ngắn gọn, kẻ lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân mở tài khoản ngân hàng mới để tạo cảm giác đang thực hiện các bước "chính thức" cần thiết để giải quyết vấn đề họ gặp phải. Khi nạn nhân tin rằng họ đang được hướng dẫn bởi một cơ quan có thẩm quyền, họ sẽ tuân theo các yêu cầu này, làm tăng khả năng kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt số tiền lớn mà không bị phát hiện ngay lập tức. Việc mở tài khoản mới cũng giúp kẻ lừa đảo tránh được sự chú ý của ngân hàng và cơ quan chức năng đối với các hoạt động bất thường có thể xảy ra với tài khoản đã có

Do đó, chuyên gia này đưa ra lời khuyên, người dân nên cẩn trọng với các cuộc gọi và tin nhắn lạ, đặc biệt là những yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Khi xảy ra tình huống đặc biệt, người dân cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh thông tin, đồng thời, cần tìm hiểu kỹ về các thủ đoạn lừa đảo để bảo vệ bản thân. Ông Hiếu cũng đặc biệt lưu ý, kẻ lừa đảo luôn thay đổi thủ đoạn, nên người dân cần cập nhật thông tin thường xuyên và cảnh báo người thân, bạn bè để tránh bị lừa đảo.

Theo Vũ Duy (Nguoiduatin)

 

Nổi bật