Vì sao Elon Musk 'trở mặt' với Bitcoin

14/05/2021 10:27:56

Quyết định của Elon Musk về việc Tesla ngưng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin đã dẫn đến sự quan tâm nhiều hơn về tác động của tiền điện tử tới môi trường.

Hôm thứ Tư (12/5), Elon Musk cho biết rằng, Tesla sẽ ngừng chấp nhận Bitcoin để thanh toán mua xe điện Tesla do lo ngại về việc “sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác Bitcoin đang gia tăng nhanh chóng”.

Elon Musk đã ám chỉ đến dữ liệu từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge cho thấy mức sử dụng điện của Bitcoin tăng đột biến trong năm nay.

Tesla sẽ không bán Bitcoin của mình và Elon Musk cho biết, họ dự định tiếp tục các giao dịch với Bitcoin sau khi đồng tiền kỹ thuật số này khai thác "chuyển đổi sang năng lượng bền vững hơn".

“Chúng tôi cũng đang xem xét các loại tiền điện tử khác sử dụng <1% năng lượng trên mỗi giao dịch của Bitcoin”, Musk cho biết.

Quyết định này của Musk đã làm chao đảo các thị trường tiền điện tử khi thổi bay 365,85 tỷ USD vốn hóa thị trường tiền điện tử trong ngày 13/5.

Vì sao Elon Musk 'trở mặt' với Bitcoin
Khai thác bitcoin ngày càng trở nên khó khăn hơn

Điều gì dẫn đến lo ngại của Elon Musk?

Những người chỉ trích Bitcoin từ lâu đã cảnh giác về tác động của Bitcoin đối với môi trường. Theo chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge, tiền điện tử đang sử dụng nhiều năng lượng hơn toàn bộ các quốc gia như Thụy Điển và Malaysia.

Để hiểu tại sao Bitcoin lại tiêu tốn nhiều năng lượng như vậy, chúng ta phải nhìn vào công nghệ cơ bản của nó được gọi là Blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Công nghệ chuỗi khối Blockchain là một cuốn sổ cái ghi chép và lưu trữ thông tin các giao dịch. Sổ cái công khai của Bitcoin là phi tập trung, tức Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan quyền lực duy nhất nào và Bitcoin liên tục được cập nhật bởi một mạng máy tính trên khắp thế giới.

Những người khai thác tiền điện tử sẽ sử dụng máy tính để giải các câu đố toán học phức tạp nhằm thực hiện một giao dịch. Đây là cách duy nhất để kiếm Bitcoin mới.

Theo đó, các thợ đào sẽ không chạy hoạt động này miễn phí vì họ phải trang trải những khoản tiền khổng lồ trên các thiết bị chuyên dụng. Một động lực chính của mô hình Bitcoin được gọi là "bằng chứng công việc" - lời hứa sẽ được thưởng bằng một số Bitcoin nếu giải được thuật toán phức tạp của nó.

Điều đáng chú ý là Dogecoin, đồng kỹ thuật số đã tăng giá mạnh gần đây nhờ sự hỗ trợ từ Musk, cũng sử dụng cơ chế tương tự.

Carol Alexander, giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Sussex giải thích rằng “độ khó” của việc khai thác Bitcoin - một thước đo về nỗ lực tính toán mà nó cần để khai thác nó - đã tăng lên trong 3 năm qua.

“Ngày càng có nhiều điện được sử dụng. Điều đó có nghĩa là khó khăn về mạng cũng sẽ tăng lên và nhiều người khai thác sẽ tham gia hơn vì tỷ lệ băm (hash rate - đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào coin) đang tăng lên”, Giáo sư Alexander cho biết.

Giá của Bitcoin đã tăng gần 70% cho đến nay trong năm nay. Khi Bitcoin tăng giá, doanh thu cho các thợ đào cũng tăng lên và khuyến khích nhiều người tham gia khai thác tiền điện tử hơn.

Trong khi đó, Musk không phải là người duy nhất lo lắng về tác động môi trường của Bitcoin. Vào tháng 2/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng, đồng tiền kỹ thuật số “cực kỳ kém hiệu quả” để thực hiện các giao dịch và sử dụng một lượng điện năng “đáng kinh ngạc”.

Bitcoin có thực sự gây hại cho môi trường không?

Bitcoin sử dụng một lượng năng lượng không thể đo lường được. Phần lớn hoạt động khai thác Bitcoin chủ yếu tập trung ở Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá.

Tháng 4 vừa qua, một mỏ than ở vùng Tân Cương bị ngập lụt và đóng cửa. Theo CoinDesk, điều này làm mất gần 25% tỷ lệ băm của Bitcoin.

Vào tháng 3, khu vực Nội Mông của Trung Quốc cho biết, họ sẽ đóng cửa các hoạt động khai thác tiền điện tử trong khu vực do lo ngại về tiêu thụ năng lượng.

Mặt khác, các nhà đầu tư Bitcoin đã cố gắng đẩy lùi câu chuyện rằng nó có hại cho môi trường.

Mặc dù rất khó để xác định hỗn hợp năng lượng cung cấp năng lượng cho Bitcoin, nhưng một số người trong ngành công nghiệp tiền điện tử cho biết, các thợ đào được khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo vì giá ngày càng rẻ. Tại Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên được biết đến là nơi thu hút các thợ đào do có nguồn điện rẻ và nguồn thủy điện phong phú.

Tháng 4 vừa qua, Công ty Fintech Square đã đưa ra một bản ghi nhớ tuyên bố rằng Bitcoin thực sự sẽ thúc đẩy sự đổi mới năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho biết họ có lợi ích nhất định trong việc làm như vậy.

Giáo sư Alexander cho biết, cuộc tranh luận xung quanh tác động môi trường của Bitcoin đã bị hiểu nhầm vì hầu hết các giao dịch với tài sản kỹ thuật số không diễn ra trên Blockchain.

“Hầu như tất cả các giao dịch không được thực hiện trên Blockchain. Nó được thực hiện trên các thị trường thứ cấp, các sàn giao dịch tập trung và thậm chí còn không được ghi lại trên Blockchain”, Giáo sư Alexander cho biết.

ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) đã trở thành một xu hướng ngày càng tăng trên thị trường tài chính. Các nhà quản lý danh mục đầu tư ngày càng kết hợp ESG vào các khoản đầu tư bền vững trong chiến lược của họ.

Một số cổ đông của Tesla có thể lo lắng rằng công ty đang đặt cược lớn vào Bitcoin trong khi cũng tuyên bố là một công ty năng lượng xanh.

Laith Khalaf, một nhà phân tích tài chính tại công ty đầu tư AJ Bell cho biết trong một ghi chú hôm thứ Năm (13/5): “Những người ủng hộ Bitcoin sẽ tự hỏi điều này sẽ dẫn đến tương lai của tiền điện tử ở đâu. Các vấn đề môi trường hiện là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm và động thái của Tesla có thể đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng Bitcoin, những người cho đến nay vẫn chưa xem xét đến lượng khí thải carbon của nó”.

“Quyết định của Tesla chắc chắn gây áp lực lên các công ty lớn khác chấp nhận Bitcoin để xem xét lại các hoạt động của họ, bởi vì các phòng họp hội đồng quản trị giờ đây sẽ cảnh giác điều đó sẽ truyền tới tai các nhà đầu tư ESG”, Laith Khalaf cho biết.

Theo Hạc Hiên (Đầu Tư Chứng Khoán)