Amazon dưới thời CEO Andy Jassy đã tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch mở hàng chục nhà kho trên khắp nước Mỹ và hoãn xây dựng trụ sở thứ hai tại Virginia. CEO Tesla Elon Musk giảm giá xe điện 6 lần kể từ đầu năm nay.
Các CEO đang đảo ngược quyết định nhanh hơn bao giờ hết. Hỗn loạn trên toàn cầu và kinh tê Mỹ bất ổn khiến điều hành doanh nghiệp trở thành nhiệm vụ khó khăn. Hơn nữa, tốc độ phát triển nhanh chóng của những công nghệ như trí tuệ nhân tạo và sức ép từ đối thủ buộc họ phải tăng tốc.
Francesca Gino, Giáo sư đại học kinh doanh Harvard, gọi tốc độ thay đổi hiện nay là “chưa từng có”. “Sự trỗi dậy của những công nghệ đột phá, chuyển dịch xu hướng tiêu dùng, cũng như giám sát ngày càng lớn từ công chúng và nhà đầu tư làm cho những quyết định lớn nhanh lỗi thời hơn”, bà nhận xét. Doanh nghiệp cần thích ứng với thông tin mới, đôi khi nó đồng nghĩa với hành động ngược lại.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự kiêu ngạo cũng đóng vai trò trong nhiều thay đổi về hướng đi. Một vài CEO không lên kế hoạch trung hạn và dài hạn cần thiết khi đưa ra lựa chọn ban đầu và họ buộc phải “quay xe” gấp.
Giai đoạn thách thức
Lạm phát cao kết hợp với tâm trạng bất an của người lao động, sự ra mắt của các công nghệ AI tạo sinh mới làm cho công việc của CEO càng khó khăn hơn. Nói cách khác, mọi kế hoạch được cho là tốt nhất đều có thể bị lạc hậu gần như ngay sau khi được lựa chọn.
Theo Gino, CEO chịu áp lực từ nhiều phía, bao gồm nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, nhà quản lý. Ban giám đốc cũng rất sốt sắng và ngày càng tham gia tích cực hơn vào việc ra quyết định chiến lược. Vì vậy, các quyết định lớn có thể được đánh giá lại thường xuyên hơn khi có thêm quan điểm bổ sung từ ban quản trị.
Bên cạnh các điều kiện khách quan, chính sự thiếu cẩn trọng của CEO trong khi lên kế hoạch đã khiến người khác – nhân viên, nhà đầu tư, khách hàng – phải trả giá. Chẳng hạn, Amazon và Meta tiến hành nhiều vòng sa thải quy mô lớn sau khi tuyển dụng ồ ạt trong dịch Covid-19. Rõ ràng, những ngày huy hoàng không thể kéo dài, ngay cả khi ngành công nghệ tận hưởng sự bùng nổ suốt thời kỳ dịch bệnh.
Oscar Munoz, cựu giám đốc hãng hàng không United Airlines, cho rằng một số hãng công nghệ đã quen với tăng lợi nhuận bằng cách bổ sung nhân viên. Trong khoảng một thập kỷ, doanh thu thường tỉ lệ thuận với quy mô nhân sự. Vì vậy, họ tuyển dụng “như điên” nhưng đột nhiên tất cả trở nên khô cạn và phải đảo ngược quyết định.
Tham vọng với vũ trụ ảo (metaverse) là một ví dụ khác. Bất chấp sự cuồng nhiệt ban đầu, vài tháng gần đây, Microsoft đóng cửa nền tảng làm việc ảo và loại bỏ 100 nhân viên trong đội ngũ metaverse công nghiệp. CEO Bob Iger khai tử bộ phận metaverse của Disney, còn Walmart chấm dứt các dự án liên quan đến vũ trụ ảo Roblox.
Theo Mumoz, nếu không xem xét và đánh giá lại các quyết định, bạn sẽ là người tổn thương. Khi cần thay đổi, nên thực hiện có tính toán, có tổ chức và theo cách thuyết phục để không làm cho cả tổ chức bối rối.
Nhịp độ kinh doanh nhanh như chớp
Với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, việc điều hành của các CEO có cảm giác như cuộc chạy nước rút. Munoz chia sẻ, khi còn là CEO United Airlines từ năm 2015 đến 2020, ông thấy đầu của mình “luôn quay cuồng” và trải nghiệm đó ngày nay còn trầm trọng hơn.
“Thế giới trở nên linh hoạt hơn. Nó khắc nghiệt hơn, tốc độ hơn, tàn bạo hơn và gây nhiều hậu quả hơn”, ông nói.
Tất nhiên, CEO được trả lương hậu hĩnh để dẫn dắt công ty. Thu nhập trung bình năm 2021 của CEO tại các doanh nghiệp Mỹ hàng đầu gấp 399 lần nhân viên bình thường. Dù rủi ro cao hơn trước, họ vẫn phải điều hành.
Thay đổi chiến lược kinh doanh theo thời gian không phải điều bất thường. Các công ty luôn thử những thứ mới dù không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Tuần trước, CEO Shopify Tobi Lütke thông báo công ty sẽ bán phần lớn bộ phận logistics – quay xe 180% so với chiến lược thách thức Amazon trước đây. Trong khi đó, Amazon lại dành cả năm ngoái để đóng cửa một số cửa hàng bán lẻ truyền thống thử nghiệm.
Thay đổi chiến lược là một chuyện nhưng cách CEO truyền đạt lại là câu chuyện khác, đặc biệt khi sự xoay trục có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn. Dù lãnh đạo có lý do để thay đổi, nó sẽ gây bối rối cho một tập thể.
Eduardo Briceño, chuyên gia cố vấn cho các CEO, cho rằng lãnh đạo nên chú ý hơn đến cách nhân viên tiếp nhận quyết định, thay vì chỉ tìm cách thể hiện trước các nhà đầu tư. Nó liên quan đến tăng cường sự ổn định cho những người mà họ đang dẫn dắt.
Theo Du Lam (VietNamNet)