Vân tay đa năng tạo từ AI có thể đánh lừa smartphone

19/11/2018 13:30:43

Được xây dựng bằng mạng nơ-ron nhân tạo, vân tay đa năng có thể đánh lừa các hệ thống nhận diện trên smartphone để xâm nhập hệ thống.

Theo Android Police, sinh trắc học không phải là một hệ thống bảo mật toàn năng. Với mật khẩu số, chữ hoặc hình, việc xác thực chỉ đơn giản là khớp hoặc không. Nhưng khi mật khẩu ở dạng sinh trắc học, như quét khuôn mặt, mống mắt hay vân tay, hệ thống phải có một chút tỷ lệ nhỏ yếu tố dự đoán trong việc đưa ra kết quả.

Điều này tồn tại bởi người dùng sẽ không thể chấp nhận việc họ không mở khóa được điện thoại chỉ vì khuôn mặt họ mọc mụn, cắt tóc... hoặc vân tay bị từ chối vì đã chạm vào cảm biến ở các góc hơi khác nhau.

Dựa vào yếu tố trên, giống như sự tồn tại của chìa đa năng có thể mở nhiều loại ổ khóa, các nhà nghiên cứu tại Đại học New York (Mỹ) đã tạo ra dấu vân tay "đa năng" có tên DeepMasterPrints.

Vân tay đa năng tạo từ AI có thể đánh lừa smartphone
Dấu vân tay cũng có thể làm giả để đánh lừa cảm biến trên smartphone.

Vân tay giả này được xây dựng dựa trên mạng nơ-ron nhân tạo, một mô hình lập trình lấy cảm hứng từ mạng nơ-ron thần kinh của con người, bằng cách sử dụng tập dữ liệu lớn về các dấu vân tay thực. Kết quả cuối cùng được đưa ra sau khi phân tích và sử dụng các thuật toán xác minh, sửa đổi nhiều lần là những dấu vân tay có thể đánh lừa hệ thống nhận diện dù chúng không thực sự khớp. Các vân tay AI này có đủ các yếu tố chung với vân tay của một người trung bình, từ đó đánh lừa máy quét. 

Vân tay đa năng tạo từ AI có thể đánh lừa smartphone - 1
Dấu vân tay thật (trái) và vân tay giả DeepMasterPrints (phải).

Tùy thuộc vào cách hoạt động của mỗi loại cảm biến mà DeepMasterPrints có tỷ lệ thành công khác nhau. Chúng khai thác tỷ lệ chấp nhận sai số trên mỗi máy quét vân tay, các tình huống trong đó một dấu vân tay giả được hiểu nhầm là bản gốc. Với máy quét có tỷ lệ sai số 1%, DeepMasterPrints có thể đánh lừa với tỷ lệ thành công lên tới 77%.

Với các máy quét có độ bảo mật cao hơn, chỉ cho phép 0,1% sai số khi sử dụng vân tay thực thì DeepMasterPrints vẫn có thể vượt qua với tỷ lệ 22%. Thậm chí với thiết bị có sai số 0,01%, vân tay giả vẫn có 1% tỷ lệ thành công.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả trên không phủ nhận độ bảo mật của các hệ thống sinh trắc học. Thay vào đó, nó cho các nhà sản xuất thấy rằng họ nên cân nhắc kỹ hơn về sự cân bằng giữa yếu tố tiện dụng và an ninh trong các sản phẩm tương lai.

Theo Bảo Nam (VnExpress.net)