Ngày 8/7, Mike Ringler, luật sư của Musk gửi thư cho “Chim xanh”, thông báo thân chủ của mình sẽ huỷ bỏ thoả thuận mua lại công ty. Trong bức thư, tỷ phú Nam Phi cáo buộc Twitter đã vi phạm nhiều nội dung trong thoả thuận, khi không cung cấp thông tin về số lượng tài khoản ảo, cũng như các dữ liệu khác liên quan nền tảng này.
Trong khi đó, Twitter khẳng định vẫn muốn thương vụ diễn ra và sẽ đưa vụ việc ra toà.
Theo đó, vào tháng 4, CEO Tesla và SpaceX đã đề nghị mua lại một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới với giá 54,20 USD/cổ phiếu.
Tại sao Musk muốn mua Twitter
Musk thường xuyên hoạt động trên nền tảng, nhưng cũng là người chỉ trích công ty này nhiều nhất. Một trong những yếu tố Musk quan tâm là “tính tự do ngôn luận” của mạng xã hội.
Ngoài ra, ông nói rằng muốn cải thiện Twitter với các tính năng mới và hứa hẹn chuyển thuật toán dịch vụ sang mã nguồn mở, dọn dẹp vấn đề bot spam và đảm bảo mọi người dùng đều được xác thực.
“Twitter có tiềm năng rất to lớn. Tôi rất háo hức làm việc với công ty cũng như cộng đồng người dùng để mở khoá tiềm năng này”, Musk từng viết.
Kế hoạch tài chính cho thương vụ
Ngay cả khi đang là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản khoảng 220 tỷ USD, Musk vẫn cần thêm sự “lắt léo” để đảm bảo tài chính cho thoả thuận mua lại.
Hồ sơ ban đầu của Uỷ ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) ngày 20/4 cho thấy Musk cam kết vốn cổ phần 21 tỷ USD, đồng thời đảm bảo khoản vay khoảng 25,5 tỷ USD thông qua Morgan Stanley và các tổ chức tài chính khác.
Kể từ đó, tỷ phú này đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 8,5 tỷ USD và huy động được thêm 7,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài khác, trong đó có Sequoia Capital và Larry Ellision (đồng sáng lập Oracle).
Ngày 24/5, Musk cam kết tăng thêm vốn chủ sở hữu lên 33,5 tỷ USD cho thương vụ.
Lý do Musk muốn kết thúc thoả thuận
Elon Musk đã bày tỏ lo ngại về tương lai của Twitter, mặc dù trước đó ông nói rằng không quan tâm tới “khía cạnh kinh tế” của vụ mua lại.
Trong bức thư cáo buộc Twitter vi phạm nhiều nội dung của thoả thuận, tỷ phú này cho biết “Chim xanh” đã không đáp ứng yêu cầu cung cấp chi tiết một số dữ liệu, gồm tính toán của nền tảng về lượng người dùng hàng ngày, chỉ số quan trọng với một công ty kiếm tiền chủ yếu từ bán quảng cáo.
Ngoài ra, kể từ khi 2 bên đạt thoả thuận, cổ phiếu Twitter liên tục giảm và tình hình kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều dấu hiệu suy thoái. Hiện tại cổ phiếu công ty đã thấp hơn 38% so với giá đóng cửa ngày 1/4, thời điểm Musk công khai đang sở hữu hơn 9% cổ phần.
Phản ứng của Twitter
Ban đầu, có vẻ như Twitter nghiêng về khả năng từ chối lời đề nghị nhưng ban lãnh đạo công ty đã xem xét kỹ lưỡng hơn khi Musk công bố kế hoạch tài chính chi tiết cho thương vụ.
“Chim xanh” lựa chọn pha loãng cổ phần nhằm gây khó khăn cho Musk trong việc gom thêm cổ phiếu. Chiến thuật này cũng cho phép Twitter có vị thế tốt hơn trong quá trình đàm phán.
Hồ sơ gửi lên SEC cho thấy vào tháng 3, Musk đã thảo luận với đồng sáng lập Twitter, Jack Dorsey về tương lai của nền tảng mạng xã hội này.
CEO Tesla cũng từ chối một ghế trong hội đồng quản trị công ty, trước khi đưa ra lời đề nghị chính thức. Vào đầu tháng 4, Jack Dorsey nói rằng “Chim xanh”” sẽ hoạt động tốt nhất với danh nghĩa một công ty đại chúng, thay vì công ty tư nhân.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo
Twitter khẳng định muốn thoả thuận được thực hiện và sẽ tìm kiếm các hành động pháp lý. Theo nội dung cam kết, việc rút lui khỏi thương vụ sẽ khiến Musk mất 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thoả thuận cũng cần được thông qua tại đại hội cổ đông bất thường, sự kiện đến nay Twitter vẫn chưa đưa ra thời điểm cụ thể. Theo Bloomberg, cuộc họp này có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Daniel Ives, chuyên gia phân tích tại Wedbush Securities cho biết, động thái mới nhất của Musk là “kịch bản thảm hoạ với Twitter và hội đồng quản trị, khi công ty này sẽ phải đối mặt với Musk trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài và mệt mỏi tại toà”.
Theo Vinh Ngô (VietNamNet)