Chưa có dấu hiệu bị hack
Trong ngày cuối tuần, độc giả online phàn nàn họ không thể truy cập bất cứ trang web, dịch vụ hay ứng dụng nào của do tập đoàn VNG cung cấp. Trong số này, có cả những dịch vụ trực tuyến, ứng dụng có rất đông người sử dụng tại Việt Nam như cổng 360game, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Zing MP3, Zing TV, ứng dụng nhắn tin Zalo, cổng thanh toán trực tuyến Zalo Pay, Báo mới...
Không chỉ vậy, nhiều tờ báo điện tử hợp tác vận hành kỹ thuật với Epi cũng đã gặp sự cố không thể truy cập dịch vụ. Một số báo lớn bị ảnh hưởng có thể kể đến: Thanh niên, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, VOV, An ninh thủ đô…
Đại diện tập đoàn VNG cho biết hệ thống của đơn vị này gặp sự cố về điện trong thời điểm ngắt điện tại Công viên phần mềm Quang Trung. Tuy nhiên, dư luận cho rằng lý do này không thuyết phục. Có người còn nghi ngờ đây là kết quả của một cuộc tấn công mạng hàng loạt.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV khẳng định hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy các website trong hệ thống của VNG bị hacker tấn công.
“Về phía bên ngoài, chúng tôi chưa ghi nhận thấy có dấu hiệu về các đợt tấn công hay không. Điều này phải đợi thêm một thời gian nữa vì cần có thêm dữ liệu do cơ quan chủ quản cung cấp”, ông Tuấn Anh cho biết.
Lý giải về việc có trường hợp BKAV phát hiện ra bị hack, có trường hợp không phát hiện ra, ông Tuấn Anh nói: “Ví dụ vụ Vietcombank bị hack trước đây, chúng tôi phát hiện được là do có email gửi ra ngoài. Đó là căn cứ xác định. Còn vụ này thì không có căn cứ nào để nhận biết”.
VNG bất ngờ “trượt dốc”
Trước khi hàng loạt website trong hệ thống VNG bị “sập”, công ty này đã khiến nhà đầu tư bất ngờ khi công bố kết quả kinh doanh với nhiều chỉ tiêu quan trọng như doanh thu và lợi nhuận đồng loạt lao dốc.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2018, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của VNG giảm nhẹ từ 2.102 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.066 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, doanh thu của VNG suy giảm dù công ty mạnh tay đầu tư cho hoạt động bán hàng. Trong kỳ, VNG đã chi tới 578 tỷ đồng cho hoạt động này, tăng 281 tỷ đồng, tương ứng 94,6% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Không chỉ vậy, VNG cũng rộng tay cho quản lý chung khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 193 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Kết quả là, phần lãi của VNG “rơi tự do”.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tại VNG chỉ đạt 241 tỷ đồng, giảm 341 tỷ đồng, tương ứng 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà giảm sút này, khoảng cách giữa VNG với các đối thủ khác đang được rút ngắn xuống. Dù vậy, chênh lệch này vẫn đứng ở mức rất cao.
Cụ thể, trong khi VNG lao dốc, FPT Online vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 của FPT Online, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FPT Online đạt 243 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 235 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Do quản lý tốt các chi phí nên lợi nhuận của FPT Online tăng trưởng tốt hơn doanh thu. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của FPT Online đạt 108 tỷ đồng, tăng 24 tỷ đồng, tương ứng 28,6%.
Khoảng cách giữa FPT Online và VNG đang được rút ngắn xuống. Tuy nhiên, VNG không có lý do để lo lắng vì VNG có “chân” khá vững trong FPT Online. Tại thời điểm cuối quý 2/2018, VNG nắm giữ gần 1 triệu cổ phiếu FPT Online. Lượng cổ phiếu này được xác định trị giá 111,4 tỷ đồng.
VNG và FPT Online đang nắm giữ 2 trang báo điện tử có doanh số quảng cáo trực tuyến hàng đầu tư Việt Nam. Đó là Zing News và Vnexpress. Doanh số cao vượt trội của VNG so với FPT Online không cho thấy quảng cáo trực tuyến của Zing News cao hơn Vnexpress vì ngoài Zing News, VNG còn sở hữu nhiều ứng dụng online đông người dùng như Zing MP3, Zalo,….
Theo Vy Vy (Người Tiêu Dùng)