Kế hoạch đầy tham vọng này của Trung Quốc sẽ tăng cường một cuộc chạy đua với Mỹ để đưa con người lên Hỏa tinh, lần đầu tiên được tiết lộ chi tiết sau khi Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò xuống Hỏa tinh vào giữa tháng 5 vừa qua.
Người đứng đầu của nhà sản xuất tên lửa chính của Trung Quốc, Wang Xiaojun đã phát biểu tại hội nghị khám phá không gian ở Nga gần đây rằng, các sứ mệnh lên Hỏa tinh sẽ được thực hiện vào năm 2033, 2035, 2037, 2041 và những năm sau đó.
Theo tờ China Space News đưa tin ngày 23/6, trước khi các sứ mệnh của phi hành đoàn bắt đầu, Trung Quốc sẽ gửi robot đến Hỏa tinh để nghiên cứu các địa điểm khả thi cho căn cứ và xây dựng các hệ thống khai thác tài nguyên ở đó.
Đối với việc sinh sống của con người trên Hỏa tinh, các phi hành đoàn sẽ phải có khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên của hành tinh, chẳng hạn như khai thác bất kỳ nguồn nước nào bên dưới bề mặt của nó, tạo ra oxy tại chỗ và sản xuất điện.
Trung Quốc cũng phải phát triển công nghệ đưa các phi hành gia bay trở lại Trái Đất. Dự kiến sẽ có một sứ mệnh khứ hồi để thu thập các mẫu đất từ hành tinh này vào cuối năm 2030.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã và đang phát triển công nghệ để đưa một phi hành đoàn lên Hỏa tinh và quay trở lại vào khoảng những năm 2030.
Liên quan đến kế hoạch đưa các đội tàu vũ trụ bay giữa Trái Đất và Hỏa tinh, ông Wang Xiaojun cho rằng, để rút ngắn thời gian di chuyển giữa Trái Đất và Hỏa tinh, tàu vũ trụ sẽ phải khai thác năng lượng giải phóng từ các phản ứng hạt nhân dưới dạng nhiệt và điện, ngoài các chất đẩy hóa học truyền thống.
Ông nói, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các chuyến bay khứ hồi với tổng thời gian bay là “vài trăm ngày”.
Trung Quốc cũng đang có kế hoạch thiết lập một căn cứ ở cực Nam của Mặt Trăng và triển khai các cuộc thám hiểm bằng robot tới các tiểu hành tinh và sao Mộc vào khoảng năm 2030.
Tuần trước, Trung Quốc đã cử ba phi hành gia tới một trạm vũ trụ chưa hoàn thành trong sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên kể từ năm 2016. Đây là một thách thức với sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực không gian.
Theo Phan Văn Hòa (VietNamNet)