Con số này được ông Liu Liehong, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), thông báo tại Diễn đàn Phát triển Kinh tế Trung Quốc hôm 11/11. Tuy nhiên, ông không trích so sánh cụ thể với các quốc gia khác.
Tháng trước, MIIT cho biết đã xây xong sớm hơn 500.000 trạm gốc 5G, nâng tổng số trạm trên toàn quốc lên 690.000, đồng thời đã có 160 triệu thiết bị được kết nối với mạng di động thế hệ mới. Con số này cũng được ông Liehong nhắc lại tại sự kiện, nhưng nhấn mạnh số lượng thiết bị đang hoạt động trên mạng đã tăng lên 180 triệu.
"Cơ sở hạ tầng 5G liên tục phát triển đã thúc đẩy một loạt các lĩnh vực mới ra đời", ông Liehong nói. "Chẳng hạn, mảng giáo dục đã xuất hiện mô hình dạy học từ xa qua 5G, cho phép truyền đi hình ảnh độ phân giải cực cao, dạy học qua kính thực tế ảo hoặc các lớp học mô phỏng không gian ba chiều".
Giới phân tích cho rằng con số do MIIT đưa ra khá ấn tượng, nhưng chỉ là phần nhỏ so với 1,2 tỷ người đang sử dụng 4G hiện nay tại Trung Quốc. Thực tế các nội dung liên quan đến 5G tại "đất nước tỷ dân" vẫn khá hạn chế, chưa đủ sức hút để thúc đẩy người dùng chuyển sang mạng di động thế hệ mới.
Zhang Yunyong, Chủ tịch bộ phận nghiên cứu của nhà mạng China Unicom, ước tính để đạt mục tiêu phủ sóng 5G hoàn chỉnh trên toàn quốc, Trung Quốc sẽ cần 10 triệu trạm gốc 5G. Để hoàn tất, hệ thống này sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD).
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 5G trong bối cảnh nước này đang chạy đua với Mỹ để giành vị trí đứng đầu về các lĩnh vực công nghệ cao, như AI, 5G và IoT - những yếu tố để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cũng nhấn mạnh mạng 5G và trung tâm dữ liệu là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đầu tư vào "cơ sở hạ tầng mới" của đất nước.
Giữa tháng 8, thành phố Thâm Quyến - thủ phủ về công nghệ của Trung Quốc - đã xây dựng thành công "vùng phủ sóng toàn diện" về công nghệ 5G. Chính quyền thành phố cũng đã hợp tác với Huawei và Tencent để thử nghiệm các hệ thống công nghiệp ứng dụng 5G.
Trung Quốc bắt đầu thương mại hóa 5G từ cuối năm 2019 và là một trong những quốc gia đầu tư mạnh tay vào hạ tầng về mạng di động thế hệ mới này. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), người dùng 5G tại Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ hàng đầu thế giới.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thương mại hóa 5G. Tính đến hết tháng 8, nước này hiện có 115.000 trạm gốc đang hoạt động với 8,65 triệu người sử dụng dịch vụ. Theo Gartner, thị trường thiết bị cơ sở hạ tầng mạng 5G toàn cầu năm nay sẽ tăng gấp đôi năm ngoái, đạt 8,1 tỷ USD.
Theo Bảo Lâm (Vnexpress.net)