Thử nghiệm của Bloomberg diễn ra khá âm thầm trong thời gian hai tuần, kết thúc hôm 10/10. Người Trung Quốc đã có thể vào các mạng xã hội, như Facebook, Google, YouTube, Twitter, Instagram, hay các trang báo, như New York Times, mà không cần dùng đến phần mềm mạng riêng ảo (VPN).
Tuy nhiên, không phải trình duyệt nào cũng truy cập được các website trên mà chỉ có trình duyệt Tuber do 360 Security Technology (còn gọi là Qihoo 360) phát triển, phát hành trên cửa hàng ứng dụng di động của Huawei, mới "vượt rào" được.
Do phát hành trên cửa hàng ứng dụng di động, chỉ có các thiết bị như smartphone, máy tính bảng mới sử dụng được Tuber. Các website trên cũng hiển thị nội dung đã được chọn lọc và có kiểm soát. Chẳng hạn, trên YouTube, khi tìm kiếm tên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng tiếng Trung, kết quả trả về là bảy video đăng bởi ba tài khoản thuộc đài truyền hình ở Thượng Hải, Thiên Tân và Ma Cao. Nếu tìm bằng từ khóa "Xi" (tên tiếng Anh của ông Tập), không có kết quả nào hiển thị.
Bên cạnh đó, những ai muốn dùng Tuber phải đăng ký thông tin cá nhân như số ID và tên thật. Họ cũng nhận được cảnh báo "không được coi thường lợi ích quốc gia và vi phạm luật pháp Trung Quốc".
Tuber được phát hành lần đầu vào cuối tháng 9 trên App Gallery của Huawei. Cho đến nay, ứng dụng đã nhận hơn năm triệu lượt tải xuống.
Từ ngày 12/10, ứng dụng Tuber và các website đã bị chặn.
Một số chuyên gia đánh giá động thái này cho thấy Trung Quốc đang có những chính sách cho phép công dân tiếp cận nhiều hơn với Internet toàn cầu nhưng vẫn kiểm soát nội dung.
Fergus Ryan, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, đánh giá động thái mới nhất của Trung Quốc thông qua Tuber "thực sự thú vị", vì nó được cho là cởi mở hơn về tự do Internet. Tuy nhiên, ông cho rằng mọi thứ vẫn bị giới hạn rất nhiều do nội dung vẫn phải chạy qua bộ máy kiểm duyệt.
Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết việc nới lỏng kiểm soát đối với Internet của Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới trong nước. Ông dự đoán, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mở ra không gian mạng ở một mức độ nào đó cho người dân.
"Tin tức về Tuber đã lan truyền nhanh chóng tại Trung Quốc, khiến người dân phấn khích. Đó là minh chứng cho sự khao khát truy cập Internet toàn cầu của người Trung Quốc", Ryan nói.
Trung Quốc hiện sử dụng Great Firewall, thường gọi là "Tường lửa" hay "Vạn Lý Trường Thành trên mạng" để kiểm soát và ngăn chặn công dân nước này kết nối với các trang web và dịch vụ Internet nước ngoài. Người dùng muốn truy cập những nội dung bị cấm buộc phải tìm đến VPN.
Theo Bảo Lâm (Vnexpress.net)