Năm 2017, Qualcomm đệ đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), cáo buộc một số iPhone vi phạm bằng sáng chế liên quan đến tính năng tiết kiệm năng lượng. Đến tháng 9/2018, Thẩm phán Thomas Pender của ITC đã đưa phán quyết có lợi cho Qualcomm, cho rằng Apple vi phạm sáng chế, nhưng từ chối yêu cầu cấm bán iPhone vì cho rằng nó sẽ tác động tiêu cực đến việc cạnh tranh trên thị trường chip modem.
Tuy vậy, theo Phonearena, có một số quy tắc của ITC đang buộc Ủy ban này phải xem xét lại phán quyết của thẩm phán Pender, cho rằng nên đưa ra lệnh cấm bán sản phẩm vi phạm của Apple. Câu trả lời chính thức dự kiến sẽ được ITC đưa ra ngày 26/3 tới.
Nếu phán quyết về lệnh cấm iPhone được thông qua, sẽ có văn bản gửi lên Tổng thống Mỹ xem xét. Trong vòng 60 ngày, nếu người đứng đầu Nhà Trắng đồng ý hoặc không trả lời, lệnh cấm sẽ có hiệu lực.
Không rõ Tổng thống Trump sẽ làm gì. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, Trump kêu gọi tẩy chay Apple vì không cho phép FBI mở chiếc iPhone 5c bị khóa của Syed Farook trong vụ xả súng tại San Bernardino (Mỹ). Bên cạnh đó, ông cũng chỉ trích công ty của Tim Cook vì không mang dây chuyền sản xuất thiết bị từ nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, bản thân Trump lại là người yêu thích và sử dụng smartphone của Apple. Theo New York Times, ông Trump hiện sử dụng ba chiếc iPhone, hai trong số đó là chính thức và được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ can thiệp để tăng tính bảo mật và chống lại các cuộc tấn công. Tuy nhiên, chiếc còn lại được Tổng thống Mỹ dùng cho mục đích cá nhân và nó "giống như những chiếc iPhone khác trên thế giới".
Từ cuối năm ngoái, Qualcomm đã liên tiếp giành chiến thắng trước Apple tại Trung Quốc và Đức khi tranh chấp sở hữu trí tuệ, khiến nhiều mẫu iPhone bị cấm bán tại hai thị trường này. Hôm 17/3, Apple thua kiện Qualcomm tại Mỹ và phải bồi thường 31 triệu USD.
Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)