Trên chuyến tàu điện buổi chiều tối tháng 9/2018 từ Shibuya, Tokyo về Shenzku, Phạm Hoa, em gái tôi, du học sinh tại Nhật chỉ vào toa đầu tiên của tàu nói: "Đây là toa dành riêng cho phụ nữ".
Theo Hoa, ở Nhật, tấn công, xâm hại tình dục tại nơi công cộng rất phổ biến, từ sờ soạng đến chụp lén. Vì vậy, phụ nữ sẽ có một toa riêng trên tàu, các smartphone bán ra tại Nhật buộc phải phát ra âm thanh khi chụp ảnh... để hạn chế những kẻ biến thái.
AirDrop Chikan - tấn công tình dục qua iPhone
Tháng trước, Hoa cũng bị một người lạ tấn công. Không sờ soạng thân thể hay lời nói khiếm nhã, kẻ tấn công sử dụng một công nghệ đã có từ lâu, AirDrop.
Cụ thể, tại những nơi công cộng, kẻ quấy rối sẽ gửi hình ảnh khiêu dâm qua AirDrop cho những người dùng iPhone có tên thiết bị là nữ.
"Đang đọc sách trên điện thoại thì em nhận được hình từ iPhone của người lạ. Tấm ảnh có một "con quái vật một mắt" (bộ phận sinh dục nam theo cách nói của Hoa - PV). Lúc đó, em chỉ muốn vứt ngay điện thoại", Hoa kể.
Hoa đem câu chuyện này kể lại với người bạn bản xứ để nhận lời khuyên. Theo người này, những kẻ tấn công tình dục qua AirDrop trên tàu điện ngầm được gọi với tên "AirDrop Chikan" (kẻ biến thái AirDrop).
Vấn nạn tấn công này không phải mới trên thế giới. Theo định nghĩa của Urban Dictionary, "Cyber Flashing" là thuật ngữ dùng để chỉ loại tội phạm liên quan đến việc gửi hình ảnh khiêu dâm cho người lạ thông qua AirDrop. Thuật ngữ này cũng có thể áp dụng cho hành động tương tự nhưng sử dụng Bluetooth trong phạm vi 10 mét.
Những "AirDrop Chikan" xuất hiện ngày càng nhiều trên các chuyến tàu Nhật Bản. Một số xuất hiện tại các khu vực đông người. Đặc biệt là giao lộ Shibuya, nơi có 400.000 người đi bộ di chuyển qua khu vực này trong 30 phút.
Rất nhiều người dùng Twitter cũng chia sẻ những trải nghiệm tồi tệ của mình khi nhận được hình ảnh "quả quý" từ người lạ tại nơi công cộng.
Rất khó bắt được kẻ biến thái
Giải pháp đưa ra cho vấn đề này là tắt tính năng AirDrop. Nếu thường xuyên sử dụng, người dùng có thể để chế độ chỉ nhận tệp tin từ những người có trong danh bạ.
Tuy vậy, nhiều người dùng cho rằng họ thường sử dụng AirDrop với những bạn bè học cùng trường, những người này thường không có tên trong danh bạ của họ. Vì vậy cách tốt nhất là chỉ mở khi cần dùng.
Theo Fast Company, Apple hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách ẩn hiển thị hình ảnh AirDrop hoặc phát thông báo khi nhận ảnh từ người lạ.
Để đề phòng quên tắt Airdop, Hoa sử dụng một cách khác. Cô đổi tên thiết bị của mình từ "bé Hoa xinh xắn" sang "Hoa bà già". Kết quả, Hoa không còn nhận được những hình ảnh khiêu dâm nữa.
Thay vào đó, cô nhận hàng loạt các mẫu quảng cáo đất mai táng, đất chôn khi mở AirDrop tại nơi công cộng.
Theo Huffing Post Japan, đã có ít nhất 2 đối tượng “AirDrop chikan” bị bắt tại Hyogo và Osaka. Tuy nhiên, các trường hợp bị quấy rối bởi hình thức công nghệ này thường rất khó bắt được thủ phạm, bởi vì các nạn nhân quá sợ hãi để có thể chấp nhận hình ảnh vào thư viện máy, cảnh sát sẽ không có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra.
Vì vậy, dù nhận được những hình ảnh phản cảm, người dùng vẫn được cảnh sát khuyên nên lưu lại để phục vụ điều tra. Đồng thời, cảnh sát Nhật vẫn thường xuyên cải trang thành thường dân để điều tra những kẻ thích phô dâm nơi công cộng.
Tại Anh, trên các chuyến tàu của thủ đô London, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Cuộc tấn công Cyber Flashing đầu tiên được ghi nhận năm 2015 và kéo dài cho đến này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cảnh sát Anh đã mở một chiến dịch phòng chống nạn quấy rối tình dục trên tàu điện ngầm. Chiến dịch có tên "Report it to stop it" (Báo cáo để chặn đứng chúng). Những trường hợp đầu tiên đã bị xử lý từ cuối năm 2015.
Theo Makoto Watanabe, Phó giáo sư Truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, những AirDrop Chikan có cuộc sống quá cô độc. Họ gửi đi những bức ảnh để can thiệp vào cuộc sống người khác. "Không chỉ muốn quấy rối người khác, họ còn muốn phơi bày bản thân mình. Họ gửi ảnh khiêu dâm và mong muốn nhìn thấy sự hốt hoảng, sợ hãi từ nạn nhân", Makoto nói thêm.
AirDrop là một phương thức truyền tải nội dung (hình, nhạc, video) từ các thiết bị của Apple với nhau. Cách thức hoạt động của AirDrop tương tự Bluetooth trên điện thoại Android, nhưng có thể kết hợp với Wi-Fi Direct để đẩy nhanh tốc độ truyền file.
iPhone có AirDrop cho phép người dùng chuyển nhanh nội dung sang iPhone, iPad hay một chiếc máy tính iMac, Macbook. Tính năng AirDrop không thể dùng với các hệ điều hành khác như Android, Windows.
Theo Xuấn Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)