Trò lừa bình luận 'Bisou' để kiểm tra tài khoản Facebook

14/03/2019 14:16:35

Lợi dụng Facebook gặp sự cố, nhiều người tung tin "bình luận 'Bisou' để kiểm tra bảo mật tài khoản", nhưng thực tế đây chỉ là trò "câu" tương tác.

"Facebook hiện bảo trì. Hãy bình luận Bisou, nếu hiện màu đỏ là tài khoản của bạn an toàn nhé. Nếu không, bạn nên đổi mật khẩu vì có thể tài khoản đã bị hack". Thông điệp này cũng như các trạng thái tương tự đang lan truyền trên Facebook, nhất là sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới bị sập. Không chỉ trang cá nhân hay các hội nhóm bán hàng, nội dung này còn được một số fanpage thuộc các doanh nghiệp lớn áp dụng.

Trò lừa bình luận 'Bisou' để kiểm tra tài khoản Facebook
Một đoạn trạng thái kêu gọi bình luận "Bisou" để kiểm tra độ an toàn của tài khoản.

Rất nhiều người đã làm theo thay vì tìm hiểu vấn đề. Thậm chí, khi không nhận thấy dòng chữ chuyển sang màu đỏ, một số còn bày tỏ sự lo lắng, cho rằng tài khoản của mình có thể đã bị hacker xâm nhập.

Tuy nhiên, đây thực chất là một trò "chơi khăm", tương tự việc kêu gọi bình luận "BFF" màu xanh hay "Gratula" màu đỏ diễn ra năm ngoái. "Bisou" là tiếng Pháp, có nghĩa là nụ hôn. Đó cũng là lý do vì sao khi nhấp vào từ này, hiệu ứng hình trái tim sẽ hiển thị.

Trên thực tế, khi đăng trạng thái hoặc gõ một số cụm từ như "Best Wishes", "xo" hoặc "xoxo", "Bisou", "Gratula", "Chúc mừng"..., chữ sẽ chuyển sang màu sắc khác nhau, đồng thời khi nhấn vào sẽ có hiệu ứng nhất định. Tính năng này được Facebook bổ sung từ 2017.

Anh Thế Lạng, một người làm trong lĩnh vực marketing Facebook tại TP HCM, cho rằng, tính năng trên đơn thuần để tăng trải nghiệm, không hề có tác dụng trong việc kiểm tra bảo mật tài khoản như nội dung thông điệp đưa ra. Với trường hợp chữ không hiển thị, có thể thuật toán Facebook chưa cập nhật cùng lúc hoặc vấn đề liên quan đến trình duyệt.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho rằng, những chiêu trò trên chủ yếu để câu like, tăng tương tác... thường được những người bán hàng online, chạy quảng cáo Facebook lợi dụng. "Không ít người lợi dụng Facebook gặp sự cố hay bê bối bảo mật để tung tin đồn không chính xác. Do đó, người dùng cần kiểm tra kỹ càng thông tin trước khi bình luận vì hành động đó có thể bị lợi dụng", ông Thắng cảnh báo.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)