Theo kế hoạch, một trong 3 bộ phận được chia tách sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, bộ phận thứ 2 sẽ chú trọng vào mảng cách thiết bị điện tử như chất bán dẫn điện. Trong khi đó, công ty thứ 3 - vẫn giữ tên Toshiba, sẽ nắm giữ cổ phần trong hãng sản xuất bộ nhớ Kioxia Holdings Corp. và các tài sản khác.
Quyết định chia tách được đưa ra sau khi Toshiba loại bỏ các bộ phận khác trong những năm gần đây, bao gồm thiết bị y tế, máy tính cá nhân, thiết bị điện tử tiêu dùng và một công ty điện hạt nhân ở Mỹ - Westinghouse Electric, đã phá sản vào năm 2017.
Uỷ ban chiến lược thuộc hội đồng quản trị của Toshiba cho biết họ đã lên kế hoạch cho các đợt thanh lý tài sản tiếp theo và nhắc đến các công ty cổ phần tư nhân có ý định mua lại các bộ phận của tập đoàn này.
Theo đó, một tập đoàn được hình thành từ năm 1875 sẽ chính thức bị chia tách. Hình thức kinh doanh lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng của Toshiba từng giúp họ trở thành một tập đoàn Nhật Bản tầm cỡ như GE - cổ đông lớn của công ty trước Thế chiến II, và Siemens của Đức. Trước đó, hôm thứ Ba, GE cho biết tập đoàn này cũng chia tách làm 3 bộ phận, trong khi đó Siemens dần chia nhỏ các công ty trong những năm gần đây.
Satoshi Tsunakawa - CEO của Toshiba, cho hay: "Bạn có thể coi đây là sự giải thể, nhưng với tôi đó là sự tiến bộ trong tương lai". Ông nói thêm, kế hoạch này sẽ giúp họ trở nên linh hoạt hơn nhờ chia tách các bộ phận cơ sở hạ tầng - vốn đã hoạt động trong thời gian dài như hệ thống xử lý nước, khỏi bộ phận sản xuất các bộ phận điện tử công nghệ cao. Theo ông, đây là các lĩnh vực cần được đầu tư mạnh và thực hiện những quyết định quan trọng.
Một số ít công ty Nhật Bản - điển hình là Hitachi, vẫn tiếp tục duy trì cấu trúc tập đoàn đa ngành. Song, Toshiba quyết định tái cấu trúc toàn diện sau khi đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng, bắt đầu là vụ bê bối kế toán năm 2015 dẫn đến việc cổ đông nước ngoài sở hữu hơn 1 nửa công ty.
Các cổ đông này đã loại bỏ chủ tịch hội đồng quản trị ra khỏi vị trí đứng đầu trong năm nay. Sau đó, họ thành lập một hội đồng mới do các chuyên gia tài chính và giám đốc điều hành có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài chi phối.
Toshiba cho biết họ dự kiến doanh thu của bộ phận cơ sở hạ tầng sẽ đạt khoảng 2 nghìn tỷ yen (17,5 tỷ USD) và thấp hơn khoảng 1 nửa so với bộ phận kinh doanh thiết bị điện tử. Công ty này có kế hoạch tổ chức một buổi họp cổ đông đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau để nỗ lực đạt được sự chấp thuận cho kế hoạch chia tách.
Uỷ ban chiến lược của hội đồng quản trị - dẫn đầu bởi cựu thành viên hội đồng quản trị của KPMG Hong Kong Paul Brough, cho hay, họ đã thảo luận với các quỹ đầu tư tư nhân về Toshiba. Uỷ ban cho biết họ không muốn bên nào mua lại toàn bộ công ty, nhưng một số quan tâm đến các bộ phận.
Ngoài ra, hội đồng quản trị cũng cho biết một số cổ đông muốn bán đấu giá toàn bộ Toshiba. Tuy nhiên, các cổ đông sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu chính Toshiba tự thực hiện quy trình để nâng giá trị nhanh chóng. Uỷ ban tiết lộ họ muốn nhanh chóng thu lợi từ cổ phần trong Kioxia - bộ phận sản xuất chip trước đây có tên là Toshiba Memory, càng sớm càng tốt để trả cho cổ đông.
Được thành lập vào năm 1939 dưới sự hợp nhất của Tập đoàn Điện tử Tokyo Denki và Tập đoàn Kỹ thuật Shibaura Seisaku-sho. Nhờ chính sách cho vay ưu đãi và hạn chế cạnh tranh trong nước từ chính phủ Nhật, Toshiba đã trở thành một tập đoàn hùng mạnh trong giai đoạn 1980-1990. Toshiba là công ty chế tạo máy tính cá nhân lớn thứ 5 thế giới về doanh thu vào năm 2010 và là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu.