Facebook có tất cả những bức ảnh bạn chụp vì bạn đã đăng chúng lên trang hồ sơ của mình. Nhưng Facebook có nhiều cách để có thêm thông tin về bạn.
Công ty này không chỉ là một mạng xã hội mà còn là một mạng quảng cáo và nó theo dõi bạn cả trên internet lẫn trong cuộc sống thực để tìm thông tin điều chỉnh các quảng cáo phục vụ cho bạn. Facebook có thể theo dõi các trang web bạn đã truy cập khi bạn lên kế hoạch cho chuyến đi hay thu thập thông tin khách hàng được chia sẻ bởi các đối tác, bao gồm cửa hàng nơi bạn đã mua hàng. Và Facebook có thông tin tương tự về tất cả những người bạn của bạn vì họ có dữ liệu vị trí của bạn.
Bạn không thể ngăn Facebook thu thập dữ liệu về bạn, ngay cả khi bạn hủy kích hoạt hoặc xóa hoàn toàn tài khoản của mình. Điều bạn có thể làm là giới hạn những gì mạng xã hội này thu thập được. Dưới đây là một số thủ thuật để giảm thiểu thông tin của bạn rò rỉ ra Facebook.
Bước 1: Từ chối quảng cáo
Đầu tiên, người dùng cần giới hạn thông tin Facebook sử dụng để xác định quảng cáo hiển thị cho bạn. Bạn cần vào Cài đặt (Setting) => Quảng cáo (Ads) => Tùy chọn quảng cáo của bạn (Your ad preferences) => Cài đặt quảng cáo (Ad Setting).
Trong mục Quảng cáo dựa trên dữ liệu từ đối tác (Ads based on data from partners), bạn có thể quyết định có nên từ chối xem quảng cáo dựa trên dữ liệu từ các công ty hợp tác với Facebook hay không. Ví dụ, nếu bạn cho phép nó sử dụng dữ liệu này, bạn cần chọn Bạn có thể thấy quảng cáo cho các giao dịch khách sạn nếu truy cập các trang web du lịch (You may see ads for hotel deals if you visit travel websites).
Phần tiếp theo là Quảng cáo dựa trên hoạt động của bạn qua các sản phẩm trên Facebook (Ads based on your activity on Facebook company products that you see elsewhere). Tại đây, bạn có thể chọn xem Facebook có sử dụng thông tin cụ thể về bạn để điều chỉnh quảng cáo bạn thấy trên các trang web khác hay không.
Lưu ý: Ngay cả khi bạn từ chối mọi thứ, Facebook vẫn sẽ điều chỉnh quảng cáo bằng cách sử dụng giới tính, tuổi tác, địa điểm và thị hiếu của những người tương tự như bạn.
Bước 2: Ngừng sử dụng ứng dụng của bên thứ ba
Năm ngoái, Cambridge Analytica đã bị tố lạm dụng dữ liệu được thu thập từ Facebook. Vụ bê bối tiết lộ số lượng dữ liệu Facebook chuyển cho các công ty và tổ chức bên thứ ba. Kể từ vụ bê bối, Facebook đã thay đổi các tùy chọn về cách ứng dụng của bên thứ ba có thể sử dụng dữ liệu của bạn. Vì vậy, người dùng nên xem lại cài đặt của mình.
Từ mục Cài đặt (Setting), chọn Ứng dụng và trang web (Apps and websites) từ bên trái. Ở đầu trang web, người dùng sẽ thấy danh sách các ứng dụng hoặc trang web mà bạn đã đăng nhập để sử dụng tài khoản Facebook của mình. Tại đây, bạn có thể xóa ứng dụng của bên thứ ba cụ thể hoặc giới hạn thông tin.
Bên dưới đó là phần người dùng có thể cắt mọi quyền truy cập vào tài khoản Facebook của mình khỏi các ứng dụng của bên thứ ba. Cụ thể, trong mục Tùy chọn (Preferences), tìm phần có nội dung Ứng dụng, trang web và trò chơi (Apps, websites and games) => Chỉnh sửa (Edit) để tắt quyền truy cập vào tài khoản của bạn.
Lưu ý: Nếu bạn hoàn toàn chọn không kết nối tài khoản Facebook của mình với các ứng dụng của bên thứ ba, bạn sẽ không thể đăng nhập vào các ứng dụng đó bằng tài khoản Facebook của mình hoặc sử dụng các tính năng "thích" và "bình luận" của Facebook trên trang web của bên thứ ba.
Bước 3: Sử dụng các công cụ chặn bên ngoài
Bạn không cần phải dựa vào cài đặt của Facebook để khóa thông tin của mình. Có các công cụ để giúp bảo mật sự riêng tư của bạn.
Safari sẽ tự động chặn Facebook và bất kỳ dịch vụ bên thứ ba nào khác sử dụng hai trình theo dõi web trên các trang web: cookie của bên thứ ba và dấu vân tay của trình duyệt. Đây là 2 trình theo dõi rất quan trọng để người dùng hạn chế khả năng của Facebook.
Cookie của bên thứ ba cho phép Facebook theo dõi hoạt động của bạn trên bất kỳ trang web nào sử dụng các tính năng thích, chia sẻ và nhận xét. Mặt khác, dấu vân tay trình duyệt cho phép Facebook giữ một bản ghi liên tục về hoạt động của bạn ngay cả khi bạn xóa cookie.
Tương tự, Firefox cung cấp một tiện ích mở rộng có tên Facebook Container, tách tài khoản Facebook của bạn khỏi hoạt động của bạn trên các trang web của bên thứ ba.
Lưu ý: Một số tính năng này sẽ giới hạn việc bạn sử dụng các công cụ Facebook trên các trang bên ngoài mạng xã hội. Ví dụ: Facebook Container vô hiệu hóa các tính năng thích và bình luận của Facebook trên các trang web của bên thứ ba và bạn không thể đăng nhập vào các dịch vụ khác bằng tài khoản Facebook của mình.
Bước 4: Giữ bí mật vị trí đăng nhập
Bạn có thể giới hạn thông tin Facebook biết về những người xung quanh bạn, cho dù họ là bạn bè, đồng nghiệp hay người lạ. Điều đầu tiên cần làm là giới hạn quyền truy cập của ứng dụng vào các dịch vụ định vị trên điện thoại của bạn. Nhưng vẫn chưa đủ, địa chỉ IP của bạn sẽ tiết lộ vị trí của bạn với các trang web bạn truy cập và các ứng dụng bạn sử dụng. Vì vậy, người dùng cần ẩn nó với một VPN.
VPN là một dịch vụ giúp kết nối internet của bạn đến một vị trí khác trước khi kết nối bạn với một trang web hoặc ứng dụng. Tất nhiên, người dùng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi sử dụng VPN.
Lưu ý: Bạn có thể phải đăng nhập vào Facebook và xác minh danh tính của bạn thường xuyên hơn nếu mạng xã hội cho rằng bạn đang sử dụng địa chỉ IP mới.
Bước 5: Tránh sử dụng các dịch vụ của Facebook
Bạn cũng có thể tránh cài đặt các ứng dụng của Facebook trên điện thoại, khiến Facebook không thể thêm danh bạ của bạn. Nếu có thể, người dùng nên hạn chế sử dụng các dịch vụ khác thuộc sở hữu của Facebook như Instagram, WhatsApp và Messenger.
Tất nhiên, những điều trên sẽ không ngăn được những “gã khổng lồ” công nghệ khác như Google và các mạng quảng cáo thu thập thông tin tương tự về bạn khi duyệt internet. Facebook chỉ là mạng quảng cáo dễ thấy nhất và người dùng nên tự bảo vệ mình.
Theo An Nhiên (Dân Việt)