Toàn cảnh ‘drama’ chưa hồi kết giữa Twitter và Elon Musk

19/05/2022 05:00:00

Những khúc ‘cua gắt’ liên tục xảy ra với thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú lắm chiêu trò Elon Musk.

Nếu thoả thuận suôn sẻ, người giàu nhất hành tinh sẽ sở hữu một trong những nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất hiện tại. Thương vụ này không chỉ đơn thuần là về Twitter, mà còn cả chính trị, truyền thông và tác động với ngành công nghệ nói chung.

Toàn cảnh ‘drama’ chưa hồi kết giữa Twitter và Elon Musk

Nhưng Elon Musk cũng được biết đến với sự thất thường và khó lường của mình. Việc tạm dừng thỏa thuận để đánh giá lại số lượng tài khoản fake/spam càng làm dấy lên suy đoán Musk đang tìm cách đàm phán lại giá hoặc rút lui hoàn toàn khỏi thương vụ này. 

Dưới đây là toàn cảnh giao dịch công nghệ tốn nhiều giấy mực thời gian vừa qua:

Ngày 31/1: Musk bắt đầu gom cổ phần tại Twitter

Tỷ phú người Nam Phi lặng lẽ gom cổ phiếu “Chim xanh”, nhưng chỉ tiết lộ vài tháng sau đó.

Ngày 14/3: Cổ phần đạt ngưỡng 5%

Cổ phần của Musk tại Twitter đạt ngưỡng 5% và theo quy định, CEO Tesla phải thông báo thông tin trong vòng 10 ngày sau khi cổ phần vượt ngưỡng này. Dù vậy, phải 21 ngày sau, công chúng mới được biết. Trong khoảng thời gian đó, Musk tiếp tục gom hàng.

Ngày 24/3: Bóng gió về sự thay đổi Twitter cần thực hiện

Tỷ phú giàu nhất thế giới bắt đầu dùng tài khoản để đăng các bài viết liên quan đến những thay đổi Twitter có thể áp dụng như “thuật toán mã nguồn mở” hay “tự do ngôn luận”.

Ngày 26/3: Musk liên hệ Jack Dorsey

CEO Tesla liên hệ cựu CEO và đồng sáng lập Twitter, Jack Dorsey để “thảo luận hướng đi tương lai cho mạng xã hội”.

Ngày 3/4: Ban lãnh đạo Twitter thảo luận với Musk

Theo hồ sơ, Ban điều hành công ty đã gặp đại diện hãng luật Wilson Sonsini, J.P Morgan để thảo luận khả năng Musk có 1 ghế trong Hội đồng quản trị.

Tại cuộc gặp, Ban quản trị Twitter muốn Musk cam kết “giới hạn các phát ngôn liên quan tới Twitter” gồm những đề xuất công khai mua lại công ty mà chưa có sự thông qua của Hội đồng quản trị.

Ngày 4/4: Musk trở thành cổ đông lớn nhất

Tỷ phú tiết lộ đã trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Twitter với 9% cổ phần. Tin tức khiến cổ phiếu công ty tăng 20% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Ngày 5/4: Musk đồng ý tham gia Hội đồng quản trị

CEO Twitter Parag Agrawal thông báo Musk sẽ tham gia Ban quản trị.

Đổi lại, CEO Tesla đồng ý không mua hơn 14,9% cổ phần. Các điều khoản dự kiến kéo dài tới năm 2024.

Ngày 10/4: Musk 'quay xe' 

Agrawal thông báo Musk quyết định không tham gia Ban quản trị. Việc đảo ngược quyết định mở ra khả năng tỷ phú 50 tuổi có thể mua thêm nhiều cổ phần của công ty và tự do “tweet” những gì mình nghĩ.

Ngày 14/4: Musk đề nghị mua Twitter và “mở khoá” tiềm năng công ty

CEO Tesla đưa ra lời đề nghị mua toàn bộ cổ phần với giá 41,4 tỷ USD. Số tiền này cao hơn 38% so với giá đóng cửa công ty vào ngày 1/4, thời điểm trước khi Musk tiết lộ đang là cổ đông lớn nhất.

Ngày 15/4: Kế hoạch pha loãng

Ban quản trị Twitter thông qua điều khoản “pha loãng cổ phần” nhằm gây khó khăn hơn cho việc thâu tóm của Musk.

Ngày 21/4: Musk thông báo đã đủ tiền

Theo hồ sơ, tỷ phú 50 tuổi khẳng định đã dàn xếp xong 46,5 tỷ USD cho thoả thuận, gồm 2 khoản nợ được đảm bảo bởi Morgan Stanley và một đơn vị giấu tên khác cùng một khoản đảm bảo vốn sở hữu của cá nhân CEO Tesla.

Ngày 25/4: Twitter đồng ý bán mình

“Chim xanh” thông báo chấp thuận với đề nghị mua lại 44 tỷ USD của Musk.

Trong cuộc họp báo cuối ngày, Musk cho biết mua lại công ty là “vì tương lai của nền văn minh” chứ không phải để kiếm tiền.

Ngày 29/4: Musk bán cổ phần Tesla lấy tiền mặt

Hồ sơ cho thấy CEO Tesla đã bán số cổ phần trị giá 8,5 tỷ USD tại công ty xe điện trong 3 ngày sau khi Twitter đồng ý bán mình, với giá trung bình 883,09 USD/cổ phần. Lý do bán cổ phần không được nêu chi tiết, nhưng có vẻ số tiền này được dùng để gây quỹ thực hiện thoả thuận với Twitter.

Ngày 4/5: Trợ giúp từ người quen

Musk kêu gọi thêm được 7 tỷ USD. Các nhà đầu tư mới gồm Larry Ellison, nhà sáng lập Oracle, sàn giao dịch tiền mã hoá Binance và quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital.

Ngày 6/5: Tiết lộ mục tiêu dành cho Twitter

CEO Tesla kỳ vọng doanh thu hàng năm của “Chim xanh” sẽ đạt 26,4 tỷ USD vào năm 2028, so với con số 5 tỷ USD trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, Musk có ý định thúc đẩy doanh thu đăng ký dịch vụ và thiết lập hệ thống thanh toán, đồng thời giảm phụ thuộc vào doanh số quảng cáo.

Ngày 10/5: Musk khẳng định sẽ mở khoá tài khoản cho ông Trump

Tỷ phú 50 tuổi xác nhận sẽ mở khoá tài khoản cho cựu Tổng thống Trump sau khi thương vụ hoàn tất.

Ngày 12/5: Đóng băng tuyển dụng và sự ra đi của các vị trí điều hành

Theo CNN, Twitter cho biết đã tạm dừng phần lớn hoạt động tuyển dụng và bổ sung nhân sự, trừ các vị trí “kinh doanh trọng yếu”, đồng thời thu hồi chi phí phi nhân công trước thỏa thuận.

Ngoài ra, Giám đốc khối tiêu dùng, Kayvon Beykpour và Trưởng nhóm doanh thu sản phẩm, Bruce Falck được thông báo đã rời công ty.

Ngày 13/5: Thoả thuận tạm ngừng

Musk thông báo tạm ngừng tiến hành thỏa thuận để xem xét lại số lượng các tài khoản giả và spam trên nền tảng.  

Cổ phiếu công ty giảm hơn 10% sau khi thị trường mở cửa. 2 tiếng sau khi thông báo tạm dừng, Musk nói “vẫn cam kết thực hiện thương vụ này”.

Vào cuối ngày, CEO Tesla cho biết đội ngũ của ông đang kiểm tra con số tài khoản thực tế “với lượng mẫu thử là 100, do đó là con số Twitter sử dụng để tính ra số tài khoản spam/fake nhỏ hơn 5%”.

Ngày 14/5: Vi phạm điều khoản bảo mật (NDA)?

Đội ngũ pháp lý Twitter cáo buộc Musk vi phạm các điều khoản NDA khi tiết lộ số lượng mẫu thử tài khoản tự động của nền tảng xã hội này.

Ngày 16/5: Tranh cãi với CEO Agrawal

Bế tắc xung quanh vấn đề tài khoản ảo tiếp tục gia tăng khi Musk và Agrawal tranh luận trên Twitter. Trong khi CEO người Ấn giải thích chi tiết về cách thức nền tảng này ngăn chặn và tính toán số lượng tài khoản spam, CEO Tesla chỉ đáp lại bằng một biểu tượng (emoji) khiêu khích.

Ngày 17/5: Musk nói thoả thuận “không thể tiến triển”

CEO Tesla khẳng định không thể tiến hành thỏa thuận cho đến khi có nhiều thông tin hơn về tình trạng tài khoản spam trên “Chim xanh”, cáo buộc nền tảng này đã cung cấp số liệu sai lệch trong hồ sơ.

Dù không đưa ra chứng cứ, tỷ phú 50 tuổi khẳng định “20% tài khoản của Twitter là spam và bot”.

Đáp lại, Twitter tuyên bố công ty “cam kết thực hiện giao dịch dựa trên mức giá và điều khoản đã thống nhất một cách càng sớm càng tốt”.

Theo Vinh Ngô (VietNamNet)