Một thẩm phán ở Texas đã đưa ra phán quyết rằng Apple phải trả cho VirnetX 502,8 triệu USD tiền bản quyền đối với tính năng "VPN on Demand", một tính năng cho phép người dùng iOS truy cập vào một kết nối VPN. Hai công ty đã dính líu vào một vụ tranh chấp pháp lý kéo dài đến 10 năm, trong đó VirnetX - công ty được xem là một "patent troll" - cáo buộc Apple đã sử dụng trái phép công nghệ do họ nắm giữ bằng sáng chế để phát triển các tính năng "VPN on Demand" và "FaceTime".
Trong tuyên bố của mình, Apple cho biết họ dự định sẽ kháng cáo đối với phán quyết trên: "Vụ việc này đã diễn ra trong hơn một thập kỷ, liên quan đến các bằng sáng chế không liên quan đến các chức năng lõi của các sản phẩm của chúng tôi, và đã bị văn phòng bằng sáng chế phát hiện ra là không hợp lệ. Những vụ việc như thế này chỉ làm kìm hãm sự sáng tạo và gây hại cho người tiêu dùng".
Hồi đầu năm 2020, một phiên toà kháng cáo diễn ra tại Mỹ đã từ chối yêu cầu của Apple nhằm cân nhắc lại một quyết định không được sự nhất trí từ các quan toà, trong đó khẳng định Apple vi phạm các bằng sáng chế của VirnetX. Phiên toà đang diễn ra hiện nay đã diễn ra nhiều lần với nhiều tình tiết phức tạp, đáng chú ý nhất là vào năm 2018, một toà án liên bang ở Texas đã yêu cầu Apple phải trả cho VirnetX khoản tiền 502,6 triệu USD vì vi phạm 4 bằng sáng chế liên quan đến các phương thức giao tiếp dựa trên internet, hàm ý nhắc đến công nghệ đằng sau tính năng FaceTime và iMessage của Apple.
Nhưng vào tháng 11/2019, một phiên toà gồm 3 thẩm phán đã phủ quyết khoản án phạt 502,6 triệu USD nói trên. Tuy nhiên, các thẩm phán không phủ quyết nhận định của một thẩm phán khác, rằng một số mẫu iPhone đời cũ đã vi phạm hai bằng sáng chế của VirnetX. Nhận định này chính là thứ mà Apple muốn phiên toà kháng cáo cân nhắc lại.
Theo Tấn Minh (Pháp luật & Bạn đọc)