Trên thực tế, xét về hệ thống tản nhiệt AIO Aorus Liquid Cooler không có nhiều sự thay đổi về thiết kế ở cả 3 phiên bản. Sự khác biệt duy nhất đến từ kích thước của Radiator cùng số lượng và độ lớn của quạt thổi. Về thiết kế, Aorus Liquid Cooler 360 chia thành 2 phần chính là phần combo trụ bơm kết hợp block CPU và combo tản nhiệt gồm radiator và quạt.
Xét về combo bơm và block, Aorus Liquid Cooler vẫn lựa chọn sử dụng hình dạng trụ tròn cổ điển để tạo hình. (Lưu ý: các game thủ cũng đừng hiểu làm các combo bơm và block trên AIO hình vuông thì thực chất vẫn được thiết kế dạng trụ, chỉ là phần áo bọc được thiết kế thành hình vuông mà thôi). Combo này được làm khá cao. Do ngoài block và bơm ra thì Aorus còn trang bị cho nó một màn hình LED hiển thị kết hợp hiệu ứng ánh sáng RGB.
Phần gờ bảo vệ màn hình được nhô lên khá cao tránh trường hợp người dùng hay vọc có những tác động lực làm hỏng hoặc bẩn phần màn hình hiển thị trên. Phần gờ này được làm cách điệu nhìn cũng khá hay ho để tách biệt mình khỏi một số sản phẩm tản nhiệt AIO tương tự.
Phần combo bơm và block này có rất nhiều dây kết nối. Một dây cấp nguồn chính có hình dáng tương tự như các cổng cấp nguồn ổ cứng SATA. Có lẽ chiếc Aorus Liquid Cooler sẽ yêu cầu nguồn điện không phải nhỏ để vận hành rồi đây. Bên cạnh đó đáng chú ý là kết nối của tản nhiệt với bo mạch chủ qua cổng USB 2.0.
Để vận hành được đầy đủ những chức năng và nắm toàn quyền kiểm soát chiếc tản nhiệt này thì nhớ cắm dây này vào nhé. Ngoài ra phần combo này còn đóng vai trò như một hub kết nối bộ 3 chiếc quạt đến từ phần radiator để tránh chiếm dụng các vị trí cổng cắm fan case trên bo mạch chủ.
Một điểm trừ nhỏ trên Aorus Liquid Cooler 360 là độ dài của ống dẫn chất lỏng có thể sẽ khiến các game thủ phải cân nhắc về kích thước vỏ case và vị trí đặt radiator của mình. Có lẽ trên nóc là phù hợp nhất, còn nếu ở mặt trước của case hoặc mặt dưới thì không dám chắc là ống dẫn có thể đáp ứng được nhu cầu này hay không.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)