TikTok thử nghiệm mua sắm trong ứng dụng, thách thức Facebook

13/05/2021 09:00:00

TikTok kết hợp với nhiều thương hiệu để thử nghiệm bán hàng trong ứng dụng tại châu Âu, xóa nhòa ranh giới giữa mạng xã hội và mua sắm trực tuyến.

TikTok muốn lặp lại thành công của Douyin - phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Chỉ trong năm đầu tiên, Douyin đã thu về 26 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Theo Bloomberg, TikTok đã bắt đầu hợp tác với một số thương hiệu để họ trực tiếp bán sản phẩm cho hàng triệu người dùng ngay trên ứng dụng.

TikTok thử nghiệm mua sắm trong ứng dụng, thách thức Facebook
TikTok muốn lấn sân thương mại điện tử (Ảnh: Bloomberg)

Chưa rõ khi nào TikTok mới chính thức công bố tính năng. Đại diện của Hype, một trong các nhãn hàng mà TikTok hợp tác, xác nhận thử nghiệm. Theo hình ảnh cung cấp cho Bloomberg, gian hàng của Hype trong TikTok hiển thị một loạt sản phẩm kèm hình ảnh và giá bán.

ByteDance - công ty mẹ TikTok - đang tích cực khai phá thị trường TMĐT Trung Quốc với hi vọng viết thêm một chương huy hoàng khác vào lịch sử công ty ngay trước thềm IPO. Công ty đặt mục tiêu xử lý hơn 185 tỷ USD giao dịch TMĐT toàn cầu vào năm 2022 dựa trên phạm vi tiếp cận của TikTok và Douyin. Không như Alibaba, Tencent, ứng dụng của ByteDance nổi tiếng trên toàn cầu. Nhà sáng lập Zhang Yi Ming muốn dùng nó làm bàn đạp vào cuộc chơi mua sắm trực tuyến.

ByteDance vẫn là kẻ chậm chân trên thị trường “thương mại xã hội” Trung Quốc, nơi những người nổi tiếng chào bán sản phẩm cho người theo dõi. Trong email, TikTok cho biết đang thử nghiệm và học hỏi, cũng như liên tục khám phá nhiều cách thức mới để gia tăng giá trị.

Hiện tại, các công ty mạng xã hội lớn đang tranh giành thị phần bán lẻ trực tuyến, thị trường dự đoán tạo ra 5 nghìn tỷ USD doanh số năm nay. Tháng 5/2020, Facebook giới thiệu công cụ mới để cải thiện trải nghiệm mua sắm trên Facebook và Instagram. Pinterest cũng nhảy vào thị trường TMĐT khi đưa người mua đến website của người bán.

Về phần mình, TikTok đã thử sức với thị trường mua sắm trực tuyến thông qua các chiến dịch quảng bá cùng với Walmart và Shopify. Doanh nghiệp thường đánh dấu sản phẩm trên nội dung TikTok, kèm theo liên kết dẫn người mua đến website riêng, tuy nhiên tất cả đều chỉ diễn ra bên trong ứng dụng TikTok.

TikTok thử nghiệm mua sắm trong ứng dụng, thách thức Facebook - 1

TikTok muốn khóa chân người dùng chặt hơn bằng cách cho phép các nhãn hàng như Hype chạy gian hàng trên nền tảng, nhận đơn hàng và tương tác trực tiếp với người mua. TikTok hi vọng có thể bán thêm được nhiều quảng cáo cho người bán, tăng lưu lượng và ăn hoa hồng.

Tháng 12/2020, Zhang nói với nhân viên TikTok rằng TMĐT, khi kết hợp với video ngắn và livestream, mang đến cơ hội lớn hơn nữa bên ngoài Trung Quốc. Công ty âm thầm xây dựng đội ngũ kỹ sư tại Singapore để phát triển hoạt động kinh doanh TMĐT của mình. Rất có thể TikTok sẽ tái lập thành công với các video được trí tuệ nhân tạo gợi ý khi triển khai mua sắm trực tuyến.

Theo DU LAM (ICTNews)