Ấn Độ vừa ban lệnh cấm đối với 59 ứng dụng xuất xứ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Một ngày sau, nhiều người dùng mạng Airtel, Vodafone và các dịch vụ khác cho biết không thể truy cập được TikTok trên điện thoại. Tuy nhiên, nhà mạng khẳng định họ không chặn TikTok. Bản thân ứng dụng đã ngắt kết nối tại nước này để tuân thủ quy định. Mở ứng dụng hay website TikTok đều nhìn thấy thông báo giống nhau.
Sáng ngày 30/6, ứng dụng TikTok không còn xuất hiện trên App Store và Play Store Ấn Độ. Hai nguồn tin của TechCrunch tiết lộ ByteDance, công ty đứng sau TikTok, đã tình nguyện rút ứng dụng khỏi các chợ của Apple, Google.
Phần lớn các ứng dụng khác bị cấm, bao gồm UC Browser, UC News, Club Factory, vẫn cho tải về, cho thấy rằng trên thực tế Google và Apple vẫn chưa làm theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ.
TikTok xác định Ấn Độ là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng với hơn 200 triệu người dùng. Nikhil Gandhi, người quản lý hoạt động của TikTok tại thị trường Ấn Độ, cho biết công ty đang trong quá trình tuân thủ quy định nước sở tại và kết nối với các nhà lập pháp để giải quyết lo ngại của họ.
Theo hãng phân tích Sensor Tower, TikTok được tải hơn 2 tỷ lượt trên toàn cầu, trong đó Ấn Độ chiếm 611 triệu lượt. Trong quý II, tổng số lượt tải của 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm đạt 330 triệu lượt. Theo App Annie, các ứng dụng này có 505 triệu người dùng vào tháng 5.
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ, thị trường Internet lớn thứ hai thế giới, ra lệnh cấm nhiều ứng dụng nước ngoài như vậy. New Delhi cho biết nhận Đội Ứng cứu khẩn cấp máy tính đã nhận được khiếu nại từ công dân liên quan tới bảo mật dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư.
Quyết định của Ấn Độ ban đầu gây bối rối về cách thức thực hiện. Dù vậy, mọi chuyện dường như đã rõ ràng hơn. Năm 2019, TikTok từng bị cấm khoảng 1 tuần nhưng người dùng đã cài đặt vẫn có thể truy cập trên điện thoại. Một hồ sơ tòa án tiết lộ công ty thiệt hại khoảng 500.000 USD/ngày vì lệnh cấm khi ấy. Theo Reuters, ByteDance dự định chi 1 tỷ USD tại Ấn Độ để mở rộng tầm với của TikTok song kế hoạch nay dường như đổ bể.
Zhao Lijian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 30/6 trả lời phóng viên rằng Trung Quốc lo ngại với hành động của Ấn Độ và Ấn Độ có trách nhiệm duy trì quyền hợp pháp của các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc.
Theo Du Lam (VietNamNet)