Thiết kế vi mạch học có hot không, điểm chuẩn thế nào?

12/11/2023 07:45:38

Đánh giá tình hình hiện tại, Thiết kế vi mạch sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng trong mười đến mười lăm năm tới, và nó sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh. Nhưng để ra trường làm công việc này, thí sinh học ở đâu và điểm chuẩn thế nào?

Thiết kế vi mạch học có hot không, điểm chuẩn thế nào?

Thiết kế vi mạch là một trong những ngành hot, hứa hẹn hơn cả ngành Khoa học máy tính bởi nhu cầu nhân lực ngành này luôn rất cao, mức thu nhập tăng phi mã. Vậy thí sinh muốn học ngành này nên học trường nào thì tốt.

Năm 2024 tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn

Sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đăng đàn trả lời những vấn đề mà đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội.

Liên quan đến vấn đề nguồn lực, trước đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại, không biết ngành giáo dục và đào tạo sẽ làm như thế nào để có thể cung cấp được nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

Hiện nay, với dự đoán 50.000-100.000 nhân lực, trong đó yêu cầu nhiều trình độ và nhiều nhóm chuyên môn, ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hiện có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này.

Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hàng năm.

Theo Bộ trưởng, với sự tập trung cao độ, đến năm 2030, con số như dự kiến là có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nhưng cũng cần có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể “tay không bắt chip” trong lĩnh vực này và cũng cần Quốc hội, Chính phủ đầu tư các phòng thực hành.

Ngành thiết kế vi mạch là gì?

Ngành Thiết kế vi mạch, có tên tiếng Anh là Integrated circuit design hay VLSI design. Một ngành nghề chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Đây là chuyên ngành của ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử.

Mỗi năm, các công ty ngành thiết kế vi mạch cần khoảng 300 kỹ sư. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được đào tạo cho ngành này hầu như không đáp ứng đủ cho thị trường nhân lực, nên hầu hết tất cả các bạn sinh viên ra trường đều có việc làm.

Những công ty về vi mạch hàng đầu thế giới đều có mặt tại TP.HCM như: Intel(Mỹ), Renesas (Nhật), Marvell (Mỹ), Applied Micro(Mỹ), Esilicon(Mỹ), Arrive Technology (Mỹ), Uniquify (Mỹ), Grey Stones (Mỹ),... Hiện tại có khoảng 2000 kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn trên.

Đánh giá tình hình hiện tại, Thiết kế vi mạch sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng trong mười đến mười lăm năm tới, và nó sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người yêu thích nghiên cứu khoa học.

Vậy học ngành thiết kế vi mạch ở đâu?

Ngành thiết kế vi mạch thường được đào tạo tại các trường đại học có khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử viễn thông hoặc ngành Công nghệ. Đây là ngành học khá khó nhằn, kiên nhẫn sẽ có quả ngọt, bởi khối lượng kiến thức mà sinh viên phải học là rất lớn. Ngoài ra để trở thành một kỹ sư Thiết kế vi mạch, còn phải yêu cầu rất nhiều kỹ năng và sự nỗ lực, học hỏi không ngừng của người học.

Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử nói chung và ngành Thiết kế vi mạch nói riêng.

Trên địa bàn khu vực miền nam, các trường top đầu đào tạo ngành này có thể kể đến như: Đại học Bách Khoa TP. HCM; Đại học Công nghệ Thông tin TP. HCM; Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM…

Ở khu vực miền Bắc có các trường sau: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội; …

Các môn học và kiến thức cung cấp tại mỗi trường cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn ở Đại học Bách Khoa TP. HCM, theo học ngành Thiết kế vi mạch (IC Design), các bạn sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản để có thể thiết kế ra một con chip (vi mạch tích hợp). Thiết kế vi mạch thường chia làm 3 loại: Thiết kế số (Digital IC), Thiết kế tương tự (Analog IC), Thiết kế tín hiệu hỗn hợp (Mixed-signal). Sản phẩm là chip điện tử, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp (điện tử, CNTT, viễn thông...).

Điểm chuẩn thế nào?

Vài năm qua, điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện, điện tử dao động từ 16 – 27 điểm. Dẫn đầu về mức điểm chuẩn ngành này là ĐH Bách khoa Hà Nội với. Mức điểm này xấp xỉ các ngành “hot” khác của trường như: Tự động hóa, Công nghệ thông tin...

Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM có mức điểm trúng tuyển có mức điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện, điện tử có mức điểm chuẩn cao nhất khu vực phía Nam.

Đạt mức điểm 23 đến gần 26 điểm, thí sinh có thể xem xét đăng ký vào ngành Kỹ thuật điện, điện tử của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng hay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Các trường như ĐH Điện lực, ĐH Mỏ - Địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM;…điểm chuẩn dao động ở mức gần và đến 20 điểm.

Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)