Ban lãnh đạo Apple bao gồm 8 giám đốc độc lập và CEO Tim Cook, được triệu tập ít nhất 4 lần mỗi năm. Theo nguồn tin giấu tên, một phiên bản của thiết bị thực tế hỗn hợp đã được trình diễn trước các giám đốc trong buổi gặp mới nhất.
Vài tuần gần đây, Apple đã tăng tốc phát triển rOS – hệ điều hành thực tế dành cho thiết bị. Tiến trình này, kết hợp với việc trình diễn sản phẩm, gợi ý màn ra mắt có thể diễn ra trong vài tháng tới. Thiết bị bao gồm các yếu tố của cả thực tế ảo lẫn thực tế tăng cường, là ván cược lớn tiếp theo của “táo khuyết”. Nó sẽ đưa gã khổng lồ Mỹ vào một ngành công nghiệp còn non trẻ, đang chịu sự thống trị của Meta.
Apple đặt mục tiêu giới thiệu thiết bị sớm nhất vào cuối năm 2022 hoặc lúc nào đó năm 2023, trước khi phát hành vào năm sau. Theo Bloomberg, công ty dự định công bố tại hội nghị dành cho nhà phát triển tháng 6 này nhưng gặp nhiều khó khăn về nội dung và quá nhiệt.
Hiện tại, mảng thiết bị chiếm 80% doanh số hàng năm của Apple. Dù liên tục đạt kỷ lục, vấn đề chuỗi cung ứng và lo ngại người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của hãng. Cho đến nay, cổ phiếu Apple giảm khoảng 23%.
Ban lãnh đạo Apple thường là nhóm đầu tiên được mục sở thị các sản phẩm tương lai. Chẳng hạn, trợ lý ảo Siri được trình diễn trước các lãnh đạo vài tuần trước khi giới thiệu ra công chúng trong năm 2011, cùng thời điểm Steve Jobs từ chức CEO.
Thiết bị đeo (headset) sử dụng bộ xử lý tiên tiến, ngang bằng trong máy tính Mac cũng như màn hình độ phân giải siêu cao. Dù bản đầu tiên cung cấp cả thực tế ảo (VR) lẫn thực tế tăng cường (AR), công ty đang phát triển kính AR độc lập, tên mã N421. Không như VR, AR sẽ chiếu hình ảnh và thông tin kỹ thuật số trên nền thế giới thực.
Thiết bị hiện tại có tên mã N301 đã được phát triển từ khoảng năm 2015. Dự án nằm dưới sự dẫn dắt của Phó Chủ tịch Mike Rockwell và Dan Riccio, cựu Giám đốc Kỹ thuật phần cứng. Khoảng 2.000 nhân viên thuộc bộ phận phát triển công nghệ (TDG) đang làm việc cho dự án.
TDG bao gồm các cựu trưởng nhóm kỹ thuật phần cứng, phần mềm của iPhone, iPad và Mac, bên cạnh các nhân sự mời về từ Nasa và các xưởng game, đồ họa, âm thanh. Tuy nhiên, bộ phận cũng mất vài tên tuổi chủ chốt vào tay Meta và vài công ty khác.
Nhóm phát triển thiết bị làm việc tại văn phòng Sunnyvale, California, cách trụ sở Cupertino vài dặm. Thiết bị gặp một số thách thức trong quá trình phát triển như ứng dụng và nội dung hấp dẫn. Trở ngại kỹ thuật bao gồm nhiệt độ và camera trên thiết bị. Nhóm đang nghiên cứu phiên bản AR cho các ứng dụng iPhone cốt lõi cho headset, cũng như các ứng dụng mới để xử lý các thao tác như truyền phát nội dung nhập vai hay tổ chức hội nghị ảo.
Ngoài ra, thiết bị còn vấp phải sự phản đối của cựu Giám đốc thiết kế Jony Ive, người không tin rằng Apple nên ra mắt một sản phẩm đưa mọi người ra khỏi thế giới thực. Ive đã rời Apple năm 2019, yêu thích ý tưởng kính AR hơn.
Nếu trở thành sự thật và được bán ra thị trường, headset của Apple sẽ cạnh tranh với các ông lớn khác như Meta, Sony, Microsoft. Meta và Google cũng đang phát triển kính AR độc lập cho tương lai.
Meta sẽ ra mắt headset thực tế hỗn hợp trong vài tháng tới, tương tự thiết bị của Apple. Sản phẩm mang tên mã Project Cambria, được định giá hơn 800 USD. Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg, headset Apple có giá trên 2.000 USD. Hãng tin sẽ bán được 1 máy mỗi ngày tại mỗi cửa hàng Apple.
Thị trường headset AR và VR tăng trưởng 92% năm 2021 lên 11 triệu máy, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu IDC. Headset Quest 2 của Meta dẫn đầu thị trường với khoảng 78% doanh số năm ngoái. Sự góp mặt của Apple được dự đoán sẽ giúp doanh số tăng đáng kể nhờ vào sức mạnh tiếp thị và hệ sinh thái sản phẩm của hãng.
Theo Du Lam (VietNamNet)