Được biết, thẻ Căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy suất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và dễ dàng, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người dùng có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công.
Nó còn tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.
Ưu điểm của thẻ gắn chip còn được thể hiện qua việc hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng nó, bao gồm cả những nước tại châu Âu vốn đặc biệt đề cao quyền cá nhân.
Nhưng vấn đề là khả năng bảo mật của loại thẻ này đến đâu? Nhiều người có thắc mắc này, và câu trả lời sẽ có dưới đây.
Thẻ CCCD gắn chip là gì?
Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID). Đây là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái... Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về cơ bản, e-ID là thiết bị xác thực điện tử tích hợp chip bên trong. Con chip có kích thước tương tự như trên thẻ ATM. Để truy cập vào thông tin nằm trong chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt, hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID) và cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc.
Loại chip được gắn trên thẻ
Các loại thẻ có gắn chip (bao gồm CCCD mới) được gọi chung là thẻ tích hợp vi mạch (IC card). Đây là các loại thẻ chip điện tử theo tiêu chuẩn của các Tổ chức thẻ quốc tế ban hành, có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao.
Tại sao nên dùng IC card?
Bảo mật thông tin cao
IC card vốn được sử dụng rất phổ biến trên các thẻ ATM, đặc biệt là tín dụng hoặc trả trước VISA và Mastercard. Nguyên nhân cũng là vì thẻ từ trên ATM truyền thống vốn có tính bảo mật khá thấp nên rất dễ bị lấy trộm thông tin thẻ, qua đó khiến tình trạng lộ thông tin dễ xảy ra hơn. Thẻ gắn chip lại khác, tính bảo mật sẽ cao hơn hẳn.
Ví dụ khi cắm thẻ/ quẹt thẻ thông tin, được lưu trữ ở dải từ sẽ được truyền đi dưới dạng văn bản "trần", nên chỉ cần một thiết bị quét thông thường là đã có thể thu thập ngay thông tin của bạn.
Còn với thẻ gắn chip, thông tin trên sẽ được mã hóa thêm một bước dưới dạng dãy ký số theo kiểu hệ nhị phân của máy tính, và mã hóa này thay đổi liên tục. Nên giả sử tin tặc có may mắn giải mã và lấy được thông tin thì cũng không thể sao chép hay sử dụng được.
Nguyên lý hoạt động chặt chẽ
Trái với thẻ từ, mỗi khi thẻ gắn chip được dùng, con chip bên trong sẽ tạo ra một mã giao dịch và không bao giờ lặp lại. Trong trường hợp thẻ của bạn bị đánh cắp thông tin từ một cửa hàng nào đó, chiếc thẻ giả sẽ không bao giờ hoạt động vì mã giao dịch bị trộm sẽ không dùng lại được và chiếc thẻ đó sẽ bị từ chối. Nói cách khác, thẻ IC sẽ không thể bị sao chép.
Đặt trường hợp là thẻ CCCD sẽ tích hợp rất nhiều thông tin, kể cả khi bạn có làm mất thẻ thì cũng không cần phải lo lắng gì về chuyện thông tin bị đánh cắp, hoặc chiếc thẻ của mình bị kẻ xấu sao chép, lợi dụng.
Khi truy cập trên thẻ thành công sẽ phải trải qua những bước xác nhận phức tạp 2 chiều từ thiết bị nhận thẻ đến các đơn vị phát hành. Khi được tất cả những tổ chức liên quan cấp phép thì truy cập mới thành công.
Quy trình xử lý của thẻ chip có phức tạp hơn thẻ từ một chút vì có thêm tổ chức tổ chức tham gia xác minh thẻ, quy trình khép kín và quay vòng tròn nhưng cũng chỉ mất vài giây để được chấp nhận yêu cầu truy cập.
Thẻ CCCD gắn chip được dùng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới
Vào năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới triển khai e-ID trên bằng lái. Nhằm giảm tình trạng chạy quá tốc độ, vi phạm luật giao thông, chính phủ đã quyết định phát triển và sử dụng máy đo tốc độ điện tử trên phương tiện vận tải thay cho thiết bị cơ khí. Thẻ e-ID sẽ được cắm vào máy đo trước khi xe xuất phát, khi xe chạy, nếu vượt quá tốc độ cho phép, tình trạng chạy quá tốc độ sẽ được lưu lại. Tiếp sau đó sẽ có báo cáo và biên lai phạt dành cho người vi phạm.
Năm 1995, bằng lái gắn chip cũng được áp dụng tại tỉnh Mendoza ở Argentina do tình trạng vi phạm luật giao thông quá cao. Bằng lái sẽ lưu trữ thông tin cá nhân, loại bằng lái, ảnh chân dung của người vi phạm.
Ngoài ra, thẻ công dân điện tử cũng có thể lưu trữ thông tin y tế khẩn cấp như nhóm máu, dị ứng... Theo báo cáo, hệ thống e-ID giúp chính phủ Argentina thu về hơn 10 triệu USD tiền phạt mỗi năm.
Năm 1999, hệ thống bằng lái xe thông minh được ứng dụng tại bang Gujarat, Ấn Độ.
Năm 2003, Phần Lan chính thức sử dụng thẻ căn cước điện tử, cho phép công dân truy cập vào một số dịch vụ nhất định được mã hóa trên Internet.
Năm 2006, Tây Ban Nha bắt đầu cấp căn cước quốc gia (DNI) dưới dạng thẻ gắn chip thay thế dần những loại giấy tờ rắc rối trước đó.
Từ năm 1977 đến nay, đã có gần 70 quốc gia trên thế giới phát hành thẻ căn cước công dân tích hợp chip điện tử để sử dụng trong trong các dịch vụ công cộng và xã hội.
Ngày càng nhiều nước phát hành e-ID vì phù hợp với yêu cầu và đảm bảo tính bền vững. Thẻ căn cước điện tử có thể cải thiện sự minh bạch.
Theo HẠNH KOY (Trí Thức Trẻ)