Điện thoại thông minh Xiaomi sản xuất tại một nhà máy ở Thái Nguyên, do đối tác DBG Technology vận hành. Theo Reuters, vài năm gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất khu vực của các hãng điện tử toàn cầu. Giá trị xuất khẩu smartphone, chủ yếu của Samsung, tăng 12,4% trong năm 2021 lên 57,5 tỷ USD. Xiaomi cho biết sẽ sớm xuất khẩu smartphone “made in Vietnam” sang các thị trường Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia và Thái Lan.
Thực tế, Xiaomi không hề đơn độc khi chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các nhà cung ứng điện tử toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc để chuyển dịch đến gần khách hàng nước ngoài hơn, tận dụng lợi thế nhu cầu tăng nhanh đối với các linh kiện phức tạp. Đây là một động thái thông minh, có thể xoa dịu những lo ngại về việc chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào một địa điểm giữa căng thẳng địa chính trị và thiếu hụt nguồn cung.
Việt Nam là một trong số ít các nước châu Á không bị suy giảm kinh tế trong hai năm Covid-19. Năm nay, GDP Việt Nam được dự báo tăng khoảng 5,5%, theo World Bank. Kết quả hoạt động kinh tế trong nước trước và sau dịch đã thu hút sự chú ý của một số doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, nhà cung ứng ô tô Brose của Đức – sở hữu 11 nhà máy ở Trung Quốc – đang lựa chọn giữa Thái Lan và Việt Nam làm địa bàn sản xuất mới. Tháng 12/2021, Lego của Đan Mạch thông báo sẽ xây nhà máy 1 tỷ USD gần TP. Hồ Chí Minh và là một trong các dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam cho tới nay.
Daniel Muller, Giám đốc Hiệp hội Kinh doanh Đức Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Hiện tại, có vẻ các công ty quy mô vừa đang cố gắng gia nhập thị trường Việt Nam hoặc chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc trong phạm vi rộng hơn”.
Vì sao các công ty rời Trung Quốc?
Doanh nghiệp muốn tìm kiếm địa bàn thay thế Trung Quốc vì nhiều lý do. Chẳng hạn, mức lương của lao động Trung Quốc đã tăng khiến nước này kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất chi phí thấp. Mức lương hàng năm tăng từ khoảng 5.400 USD năm 2010 lên hơn 13.847 USD năm 2020, theo hãng nghiên cứu Moody’s Analytics.
Từ góc độ địa chính trị, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước châu Âu xấu đi sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận vì vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng trả đũa quan chức EU khi một hiệp ước đầu tư cũng bị đóng băng.
Năm 2022, chính sách zero-Covid của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào hỗn loạn khi hoạt động sản xuất nằm im trong các thành phố bị phong tỏa. Điều này làm lung lay lòng tin của các doanh nghiệp vào Trung Quốc như một cơ sở sản xuất uy tín. Thượng Hải mới tái khởi động sau hàng tháng đóng cửa, trong khi một số khu vực của Bắc Kinh cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Tất cả những điều nói trên đều làm kinh tế suy yếu và cảnh báo Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay. Theo World Bank, 3 tháng đầu năm 2022, GDP trong nước tăng 4,8%, thấp hơn mục tiêu chính thức (5,5%). Raphael Mok, Giám đốc Asia Country Risk tại hãng giải pháp Fitch Solutions, cho biết, ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, họ đã chứng kiến các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động, bắt đầu phân bổ ra ngoài Trung Quốc sang các nước khác, bao gồm Việt Nam.
Việt Nam đang là nút cung ứng quan trọng
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nhờ vào tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng. Sau khi nhiều công ty đồ gỗ và dệt may tại Trung Quốc chuyển sang Bangladesh và Indonesia trong thập kỷ vừa qua, làn sóng dịch chuyển sản xuất hiện nay chủ yếu liên quan đến các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng như smartphone và máy tính bảng.
Từ năm 2013 đến năm 2015, vài công ty máy in của Nhật như Fuji Xerox, Kyocera, Canon thông báo kế hoạch chuyển dây chuyền sang Việt Nam do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng nhanh. Năm 2014, Samsung nói sẽ xây dựng một nhà máy smartphone trị giá 3 tỷ USD tại Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng vào năm 2018 từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm 2021, chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden thề tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đối phó với các hành vi thương mại phi thị trường của Bắc Kinh. Khi ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên như một ứng viên tiềm năng.
Những năm gần đây, các hãng smartphone Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi đều mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Thị phần điện thoại Trung Quốc trên toàn cầu giảm từ 75% năm 2016 xuống 67,4% năm 2021, trong khi tỉ lệ điện thoại sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam dần tăng lên, theo hãng nghiên cứu Counterpoint. Còn theo Gartner, năm 2021, đơn hàng smartphone xuất khẩu của Trung Quốc và Hong Kong trị giá 160 tỷ USD, chiếm thị phần khoảng 60%, còn của Việt Nam là 39 tỷ USD, chiếm thị phần khoảng 15%. Tháng trước, Nikkei đưa tin Apple sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do phong tỏa Covid-19.
Vishrut Rana, nhà kinh tế học của S&P Global Ratings, chia sẻ với CNBC rằng mức độ quan tâm đến sản xuất tại Việt Nam là rất lớn. “Việt Nam nổi lên như một nút cung ứng rất quan trọng đối với điện tử tiêu dùng”, ông đánh giá.
Theo PV (ICT News)