Apple Pay vừa chính thức trở thành một phương thức thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam khi chủ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của nhiều ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, VPBank có thể thanh toán sau khi thiết lập kết nối trên iPhone.
Trong khi đó, các ví điện tử trong nước như ZaloPay, MoMo... đang đẩy mạnh thanh toán qua quét mã QR. Vậy câu hỏi đặt ra là phương thức nào tiện lợi hơn, và lý do để người dùng thay đổi thói quen thanh toán (nếu có) là gì?
Trên thực tế, Apple Pay hay thanh toán QR đều có những ưu điểm riêng. Để thanh toán QR thì khách hàng phải trích tiền từ tài khoản thanh toán của mình, tức là nguồn tiền có sẵn trong tài khoản.
Trong khi đó, với Apple Pay, thì người dùng có thể thanh toán bằng cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.
Apple Pay chỉ áp dụng với các máy POS có biểu tượng thanh toán không tiếp xúc, không cần wifi và data. Trong khi quét mã QR có thể áp dụng với mọi nơi miễn có kết nối internet.
Đó là lý do quét mã QR hiện nay khá phổ biến tại các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống...
Như vậy, các hình thức thanh toán như Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, thẻ ngân hàng contactless hay QR Code... sẽ không thay thế cho nhau mà tồn tại song song. Người dùng có đa dạng phương thức thanh toán để lựa chọn, giúp trải nghiệm mua sắm, giao dịch ngày càng tiện lợi và bảo mật hơn.
Apple Pay hỗ trợ thêm được nhiều thẻ vào ví bằng cách quét camera. Máy có thể quét số thẻ, ngày hết hạn. Người dùng chỉ phải nhập mã bảo mật CVV. Ngoài ra, người dùng có thể vào app ngân hàng số của các ngân hàng và sẽ có gợi ý sẵn trong đó là thêm thẻ vào ví Apple.
Minh Ngọc (SHTT)