Tắt sóng công nghệ cũ để dành tài nguyên cho công nghệ mới
Cho đến thời điểm này, phần lớn việc tắt sóng 2G, 3G đang diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ, song các nước đang phát triển cũng nhanh chóng bắt kịp khi thói quen người dùng thay đổi, dẫn đến nhu cầu kết nối nhanh hơn như 4G, 5G.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, làn sóng 5G đầu tiên đã có mặt tại Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand, tiếp đến là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Theo hãng nghiên cứu ABI Research, nhà mạng châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ dẫn đầu về tắt mạng 2G, 3G. Trong giai đoạn năm 2019 đến 2030, các nhà phân tích ước tính 13 hãng viễn thông trong khu vực tắt mạng 3G. Đứng sau châu Á là châu Âu với 4 nhà mạng, châu Phi và Nam Mỹ 2 và Bắc Mỹ 1.
Với mạng 2G, châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ ghi nhận 9 nhà mạng tắt sóng trước năm 2030. Trong khi đó, 3 nhà mạng tại châu Phi, Bắc Mỹ và châu Âu và một tại Nam Mỹ làm điều tương tự.
Trả lời cho câu hỏi vì sao các hãng viễn thông châu Á – Thái Bình Dương lại tăng tốc tắt sóng 2G, 3G, Phó Chủ tịch ABI Research Jake Saunders cho biết, các công nghệ nền tảng tại những thị trường đang phát triển “phát triển nhanh chóng” do nhu cầu từ các thuê bao. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ số lượng mạng 5G đã được triển khai.
Các thiết bị 2G/3G ngày càng có lợi nhuận mỏng hơn trong khi thiết bị 5G cũng giảm giá nhanh hơn. Theo ông Saunders, nhà mạng muốn củng cố tài sản cơ sở hạ tầng, còn nhà quản lý muốn tái sử dụng phổ tần để cải thiện dịch vụ. Các tần số 2G (nằm trong khoảng 900MHz và 1800MHz) và 3G (2100MHz) rất hữu ích để phủ sóng trong nhà và rộng hơn.
Các công nghệ cũ như công nghệ 2G đã 30 tuổi và 3G gần 20 năm tuổi hiện là những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa. Công nghệ 4G, 5G và sắp tới 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Các mạng 2G, 3G được thiết kế để sử dụng dữ liệu cơ bản và thoại, công nghệ ngày nay đã sớm vượt xa khả năng này và các công nghệ cũ cũng không thể hỗ trợ các ứng dụng dữ liệu tốc độ cao như truyền phát video và các công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT).
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử cho rằng, bên cạnh việc tắt sóng 2G với hạn chót là ngày 15/9/2024 thì vấn đề tắt sóng 3G cần được đặt ra, bởi nhiều quốc gia cũng đã thực hiện tắt sóng công nghệ này. Ông Đoàn Quang Hoan đưa ra dẫn chứng tại Việt Nam, nhà mạng cũng đã thực hiện tắt sóng 3G để đảm bảo hiệu quả vận hành mạng lưới và dành tài nguyên cho công nghệ mới.
Lên lộ trình tắt sóng 3G
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết: "Chúng tôi xác định việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhà mạng. Cùng với việc tắt sóng 2G, Viettel đã thực hiện tắt sóng 3G từ năm 2022, đến quý I/2023, Viettel đã hoàn thành việc tắt sóng 3G"
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom khẳng định, hiện nay, gần như trên mạng lưới Viettel không còn thuê bao 3G, chỉ còn một số điểm hotspot (điểm truy cập không dây cho phép người dùng kết nối các thiết bị di động vào mạng Internet – PV) để phục vụ truyền dẫn.
“Hiện Viettel đang tích cực chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G. Cuối năm 2024, khách hàng Viettel chỉ là các thuê bao 4G và 5G”, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về lộ trình tắt sóng 3G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, trong quá trình xây dựng chính sách, tất cả các nhà mạng cùng trao đổi với Bộ TT&TT và đều thấy rằng xu hướng của thế giới là sẽ dừng các công nghệ cũ 2G, 3G. Tuy nhiên, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, sao cho ảnh hưởng tác động đến người sử dụng ít nhất có thể, các công nghệ nên có lộ trình chuyển đổi mềm, được chuyển qua các giai đoạn.
Cụ thể, công nghệ 2G sẽ được ngừng theo 2 giai đoạn. Còn với công nghệ 3G, người dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng thời hạn sử dụng cuối cùng của công nghệ này cũng chỉ là đến tháng 9/2028. Ngoài Viettel đã ngừng 3G, các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đi theo hướng là chỗ nào lưu lượng 3G không còn, thuê bao đầu cuối 3G không còn trên mạng thì họ sẽ dừng phát sóng ở khu vực đó; Nhưng vẫn duy trì công nghệ 3G của mình để đảm bảo người sử dụng đang có thiết bị đầu cuối 3G, hay đang dùng thiết bị 4G không có VoLTE vẫn có thể sử dụng mạng.
“Việc cùng xây dựng một chính sách dừng các công nghệ cũ 2G, 3G đồng hành với nhau, và có một khoảng thời gian duy trì tương đối dài, từ nay đến năm 2028, sẽ tạo điều kiện để người dùng có bước chuyển đổi sang công nghệ 4G một cách từ từ. Điều này cũng tạo điều kiện để các nhà mạng có thời gian bố trí nguồn lực, đầu tư và tối ưu mạng lưới, chuyển đổi các thuê bao của mình sang công nghệ 4G, 5G. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà mạng. Tôi hy vọng lộ trình chuyển đổi sẽ được thực hiện thành công”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Theo Thái Khang (VietNamNet)