Hôm 27/10, Samsung Electronics cho biết, đã bổ nhiệm ông Lee Jae Yong thành Chủ tịch. Ông là cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn hùng mạnh nhất Hàn Quốc. Trước khi được thăng chức, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Samsung Electronics – nhà sản xuất memory chip và smartphone lớn nhất thế giới.
Ông Lee, người từng phải ngồi tù vì tội hối lộ nhưng được ân xá vào tháng 8, lấp chỗ trống mà cha mình để lại sau khi qua đời vào năm 2020. Lệnh ân xá là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhằm thúc đẩy kinh tế nước này.
Trong tuyên bố thông báo thay đổi nhân sự, Samsung cho biết, ban quản trị đã cân nhắc đến môi trường kinh doanh toàn cầu không ổn định và nhu cầu bức thiết cần phải có trách nhiệm giải trình và ổn định kinh doanh mạnh hơn khi quyết định phê duyệt ông Lee làm Chủ tịch.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Samsung vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III không khả quan. Lợi nhuận ròng giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 9,4 nghìn tỷ won (6,7 tỷ USD). So với quý II, lợi nhuận ròng giảm 15,4%. Lợi nhuận hoạt động giảm 31,4% theo năm, xuống 10,9 nghìn tỷ won, còn doanh thu tăng 3,8% lên 76,8 nghìn tỷ won.
Theo Samsung, các bất ổn địa chính trị có xu hướng ảnh hưởng xấu đến nhu cầu chip DRAM cho tới nửa đầu năm 2023. Dù vậy, công ty dự đoán nhu cầu có thể phục hồi vào nửa sau năm này do việc lắp đặt các trung tâm dữ liệu được khôi phục và ứng dụng vài loại chip mới.
Xét theo từng bộ phận, lợi nhuận hoạt động trong bộ phận giải pháp thiết bị (DS) – chuyên về bán dẫn – giảm một nửa còn 5,1 nghìn tỷ won trong quý III do nhu cầu chip xuống thấp. Lợi nhuận hoạt động trong bộ phận trải nghiệm thiết bị (DX) – chuyên về smartphone, TV và thiết bị gia dụng – giảm 14,9% theo năm xuống 3,5 nghìn tỷ won do kinh tế toàn cầu đi xuống. Điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo là mảng đúc chip – chuyên sản xuất chip cho các công ty khác – ghi nhận doanh thu kỷ lục.
Ngoài lạm phát và kinh tế yếu kém, Samsung còn đối mặt với bất ổn tại nhà máy Tây An (Trung Quốc), nơi hãng sản xuất chip nhớ NAND. Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu với một số sản phẩm sang Trung Quốc nhằm cản trở tham vọng dẫn đầu bán dẫn của nước này. SK Hynix và TSMC đã xin được miễn trừ 1 năm để tiếp tục sử dụng thiết bị Mỹ, song triển vọng sau đó không chắc chắn.
Ngày 26/10, SK Hynix cho biết, có thể phải bán nhà máy trong tình huống xấu nhất. Trong khi đó, Samsung vẫn im lặng về việc có được miễn trừ hay không và cũng không đề cập tới vấn đề trong cuộc điện thoại với các nhà phân tích sau khi công bố báo cáo kinh doanh.
Theo Du Lam (ICT News)