Tuy vậy, điều đó vẫn chưa thể lý giải được câu hỏi tại sao rất nhiều người hâm mộ Android khó tính lại yêu thích
Giải thích về Android gốc
Đúng là “Android gốc” chỉ có nghĩa là phiên bản Android do Google phát hành. Trên thực tế, nó được phát hành bởi Open Handset Alliance (OHA). Đây là một liên minh gồm 84 công ty có mục tiêu phát triển các tiêu chuẩn mở cho thiết bị di động.
Hầu hết các ông lớn trong lĩnh vực di động đều là thành viên của OHA, kể cả Samsung, Qualcomm, NVIDIA, Intel và dĩ nhiên là Google. Google là nhà tài trợ thương mại chính cho việc phát triển Android, nhưng bản thân hệ điều hành này là mã nguồn mở và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó.
Thế nên, tóm gọn lại, bản phát hành được OHA phê duyệt, do Google dẫn dắt và tài trợ, thường được gọi là Android gốc.
Tìm hiểu về hệ sinh thái điện thoại Android
Vậy tại sao không phải tất cả các bản Android đều là Android gốc? Hầu hết điện thoại mà chúng ta có thể mua hiện nay đều dùng phiên bản Android tùy biến. Về cốt lõi, tất cả hệ điều hành cơ bản đều giống nhau, nhưng các nhà sản xuất điện thoại khác nhau sẽ sửa đổi hoặc thay thế giao diện người dùng, thêm nhiều tính năng và cài đặt sẵn bộ ứng dụng ưa thích của họ.
Android là một nền tảng mở, do đó, có một sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu điện thoại và tablet khác nhau nhằm trở nên nổi bật hơn. Điều đó tạo nên một hệ sinh thái thiết bị Android sôi động, với các hình dạng, kích thước và tính năng hoàn toàn khác nhau.
Trên lý thuyết, việc mỗi nhà sản xuất điện thoại có thể sửa đổi, mở rộng và nâng cao nền tảng Android cơ bản là một điều tốt. Tuy nhiên, vẫn có những lợi thế khác biệt khiến trải nghiệm Android gốc trở nên hấp dẫn.
Android gốc có gì tuyệt vời?
Có nhiều lý do khiến ai đó thích Android gốc hơn các lựa chọn khác, nhưng lý do đầu tiên mà hầu hết những người hâm mộ Android không kiểu cách thường đưa ra là nó không có giao diện quá nhiều rườm rà. Android gốc tương đối nhẹ, không yêu cầu thiết bị quá mạnh để chạy ổn định và có giao diện tối giản.
Có lẽ, quan trọng hơn, Android gốc không có bloatware: vô số ứng dụng và nội dung khác được nhà sản xuất điện thoại Android cài đặt sẵn bên trong và chúng thường gây khó chịu, khó xóa.
Ngoài việc loại bỏ mọi sự cồng kềnh và cung cấp giao diện người dùng tối giản, linh hoạt, Android gốc còn có ưu điểm nhận được các bản cập nhật nhanh chóng. Nếu thiết bị đang chạy Android gốc, bạn có thể cập nhật lên phiên bản Android mới nhất ngay sau khi nó được phát hành.
Nếu đang sử dụng thiết bị có phiên bản Android đã tinh chính, bạn sẽ phải đợi nhà sản xuất nhận được bản phát hành Android mới nhất và thực hiện các công việc chỉnh sửa trước khi đưa đến khách hàng. Ngày nay, điều đó đã thay đổi ở một mức độ nào đó, khi các nhà sản xuất Android tung ra những bản sửa lỗi và bảo mật có mức độ ưu tiên cao gần như ngay lập tức, tách chúng ra khỏi các bản cập nhật Android lớn.
Android gốc cũng hoàn toàn là mã nguồn mở (Open Source), có nghĩa là về nguyên tắc, ai cũng có thể kiểm tra mã và biết chính xác những gì có trên thiết bị của họ. Sẽ không thực tế để ẩn phần mềm gián điệp (spyware) hay chèn backdoor vào 1 sản phẩm phần mềm mã nguồn mở. Với điện thoại Android đã tùy biến, hầu như mọi thứ được tích hợp vào hệ điều hành cốt lõi đều độc quyền. Tóm lại, tất cả những thứ tốt trong Android gốc bao gồm:
- Không đi kèm bloatware.
- Cung cấp 1 giao diện người dùng tối thiểu.
- Là mã nguồn mở không có những phần bổ trợ độc quyền.
Có rất nhiều điều để bạn thích về những thứ đơn giản mà Android gốc cung cấp, nhưng đó không phải là mọi ưu điểm và cũng không có nghĩa là không có nhược điểm.
Vậy Android gốc có gì không tốt?
Vấn đề chính với Android gốc đó chính là nó không được tối ưu hóa cho bất kỳ thiết bị cụ thể nào. Nếu đã cài đặt nó trên 1 chiếc điện thoại Android ngẫu nhiên, bạn sẽ mất quyền truy cập vào mọi tính năng phần cứng đặc biệt của chiếc điện thoại đó và không được bổ sung các tính năng độc đáo từ các nhà sản xuất.
Android gốc cũng không có nhiều tính năng như các phiên bản hệ điều hành tùy biến có trên thị trường. Chẳng hạn, chức năng quay màn hình gốc chỉ trở thành 1 tính năng Android chính thức từ Android 11, nhưng những nhà sản xuất smartphone như Samsung đã cung cấp khả năng này trong nhiều năm. Nếu quan tâm đến các tính năng phần cứng và phần mềm tiên tiến, mới nhất thì Android gốc có thể không dành cho bạn.
Tương tự như vậy, Android gốc có một vài điều cần làm khi nói đến đa nhiệm và chạy nhiều ứng dụng trên màn hình cùng một lúc. Android 11 cũng chưa cung cấp “chế độ desktop” nhưng người dùng điện thoại Samsung đã có thể sử dụng tính năng DeX độc quyền, hay chế độ Desktop Mode của Huawei.
Làm thế nào để có được Android gốc?
Nếu muốn có Android gốc, bạn sẽ phải làm gì để có được nó? Câu trả lời đơn giản nhất là mua 1 chiếc điện thoại có Android gốc hoặc gần như gốc. “Gần như gốc” có nghĩa là hệ điều hành đã được thực hiện những tùy biến tối thiếu và vẫn giữ được giao diện, cảm giác và khả năng sử dụng của Android gốc.
Có một số thiết bị mà bạn có thể mua để có được trải nghiệm Android sạch, không cài thêm bất kỳ phần mềm nào ngay khi xuất xưởng. Dòng điện thoại Pixel của chính Google là một ví dụ điển hình. Bạn cũng có thể tìm đến những chiếc điện thoại “Android One”, được Google hỗ trợ chính thức và có khả năng nâng cấp hệ điều hành ít nhất 2 năm sau khi phát hành.
Nếu bạn muốn cài đặt Android gốc trên chiếc điện thoại hiện tại của mình, điều đó sẽ phức tạp hơn nhiều và liên quan đến việc “root” thiết bị để có đầy đủ mọi đặc quyền quản trị viên và cài đặt 1 hệ điều hành đã tùy biến trên đó, có thể có những bản Android gốc. Đấy không phải là điều mà một người dùng Android mới quen nên làm, bởi nếu xảy ra điều bất trắc, rất có thể bạn sẽ biến chiếc điện thoại của mình thành 1 cục chặn giấy thực sự. Thế nên, hãy đảm bảo bạn đã tham khảo kỹ lưỡng về quy trình cũng như những rủi ro từ việc đó trước khi thực hiện.
Nguồn: How To Geek
Theo Lee Min Huu (Vnreview.vn)