Tại sao châu Á không tẩy chay Huawei như Âu, Mỹ?

12/02/2019 15:44:58

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, Huawei, đang phải đối mặt với những vụ tẩy chay trên quy mô toàn cầu. Nhưng đối với nhiều nhà mạng viễn thông tại Đông Nam Á, đây vẫn là một trong những đối tác 5G được tin tưởng.

Theo hãng tin BBC, nhiều công ty viễn thông châu Á cho biết họ vẫn "kinh doanh như thường" với Huawei tại quốc gia của mình.

Đó quả là một tín hiệu đáng mừng cho Huawei, dù cho Mỹ đang ngày một gia tăng sức ép buộc các đồng minh của họ phải ngừng chơi với Huawei vì những quan ngại rằng, công ty này có thể đang làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.

Huawei đã luôn phủ nhận họ là một mối đe dọa an ninh, và khẳng định sẽ chẳng bao giờ làm tổn hại các khách hàng của mình.

Công ty này còn bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc đánh cắp những bí mật thương mại và phá vỡ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Nhưng sức hút của Huawei đối với các khách hàng châu Á vẫn không hề suy giảm.

Huawei là một trong các nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông chính cho các nhà mạng đang tiến hành thử nghiệm 5G tại Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Các nguồn tin công nghiệp cho biết các đối thủ không thể sánh kịp Huawei về mặt giá cả và sức mạnh công nghệ.

Tại sao châu Á không tẩy chay Huawei như Âu, Mỹ?

5G là gì?

Internet tốc độ cao từ lâu đã được mô tả là xương sống của nền kinh tế hiện đại và 5G là một phần quan trọng để đạt được điều đó.

Khi được đưa vào hoạt động, 5G được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cách chúng ta sử dụng Internet.

Huawei còn là một nhà cung cấp trọng điểm đối với các nhà mạng tại các thị trường đang nổi, như Campuchia, nơi trang thiết bị của Huawei hiện đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong hệ thống mạng 4G hiện tại của nước này.

Trên lý thuyết, tốc độ 5G sẽ cho phép chúng ta tải một video chỉ trong vài giây. Không dừng lại ở đó, 5G còn có những ứng dụng phức tạp hơn trong các xe hơi tự động hóa, nhà thông minh, và các thành phố xây dựng với Internet làm nền tảng.

Một hệ thống mạng 5G an toàn và bảo mật sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với một nền kinh tế hiện đại trong tương lai - theo lời Tom Uren từ Viện Chính sách Chiến lực Australia (ASPI) - và đó là lý do tại sao Huawei lại bị điều tra kỹ lưỡng đến vậy.

"Dù không có công ty nào tạo ra được những sản phẩm bảo mật hoàn hảo, Huawei có thể mang đến những rủi ro (mà các hãng khác không hề có) vượt mức 'bình thường' trong việc mua sắm các trang thiết bị phức tạp" - ông nói.

Uren chỉ ra mối liên kết giữa chính phủ Trung Quốc và các công ty nội địa, và nói rằng các công ty Trung Quốc bị ràng buộc phải hợp tác, hỗ trợ, và giúp đỡ các hoạt động tình báo theo luật nước này.

"Những trang thiết bị giúp hình thành nên mạng 5G không đơn thuần là những 'mảnh ghép' thụ động của cơ sở hạ tầng" - Uren nói tiếp.

"Nó có toàn quyền xem xét và kiểm soát mọi kết nối trong mạng lưới. Nó thấy được ai đang gọi cho ai, gọi khi nào, từ đâu, và kiểm soát đường mà dữ liệu được gửi."

Huawei - rẻ hơn và tốt hơn?

Huawei đi trước các đối thủ khác hàng năm trời về mặt công nghệ và những gì họ có thể mang đến cho khách hàng.

Globe Telecoms tại Philippines đã hợp tác với Huawei kể từ năm 2011 nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng viễn thông của mình.

Cuối năm nay, Globe dự định sẽ lần đầu mang kết nối Internet đến các khách hàng bằng cách sử dụng trang thiết bị của Huawei để cung cấp kết nối 5G tại nhiều khu vực ở Manila, những nơi trước đây chưa hề có Internet.

"5G là một thành tố quan trọng đối với tính cạnh tranh của nền kinh tế Philippines. Đó là lý do chúng tôi đang tăng tốc những nỗ lực nhằm triển khai 5G, để chúng tôi có thể mang đến khả năng tiếp cận công nghệ cho càng nhiều người Philippines càng tốt" - CTO (Giám đốc Công nghệ) toàn cầu Gil Genio nói.

Đối với nhiều quốc gia châu Á, cấm Huawei theo cách mà Mỹ và Úc đang làm là một biện pháp hoàn toàn phi thực tế.

Có quá ít những lựa chọn. Tìm được một nhà cung cấp khác với mức giá có thể đánh bại được Huawei là điều vô cùng khó khăn.

Dù cả các nhà mạng viễn thông lẫn Huawei sẽ không bao giờ tiết lộ các khoản chi phí đã được thỏa thuận giữa họ, nhiều chuyên gia ước tính công ty Trung Quốc này giảm giá đến 10% cho các công ty khác trên thị trường.

Tiếp đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei - các nhà phân tích nói rằng Huawei đã đi trước mọi công ty khác khi thiết lập những mạng lưới hỗ trợ khách hàng tại nhiều quốc gia mà các công ty phương Tây thường ngó lơ hoặc bỏ qua vì cho rằng các thị trường này chưa đủ quan trọng.

Những mối quan ngại đang tăng cao

Nhưng dù cho nhiều quốc gia châu Á chọn Huawei, những mối quan ngại xoay quanh các trang thiết bị mạng của hãng vẫn tồn tại.

Việc nhiều quốc gia trên thế giới đang dò xét công ty Trung Quốc khiến chính quyền một số nước châu Á phải nghĩ lại về việc sử dụng các sản phẩm của công ty.

Một công ty bảo mật cho biết nhiều khách hàng chính phủ tỏ ra ngày càng quan ngại về những vấn đề tiềm tàng của các sản phẩm Huawei, và cân nhắc những giải pháp có thể thực hiện để giảm thiểu những rủi ro đó.

"Một số đã hỏi chúng tôi họ nên lo lắng đến mức nào về mức độ tin cậy của Huawei" - một nhà phân tích chuyên tư vấn cho chính phủ các nước châu Á nói.

"Các quốc gia ngày càng lo ngại Huawei có thể là một nguy cơ đáng kể bởi những mối liên hệ của hãng với chính phủ Trung Quốc"

Dù vậy, những quan ngại đó vẫn chưa dẫn đến bất kỳ lệnh cấm nào tại Đông Nam Á.

Malaysia cho biết họ sẽ điều tra Huawei trước khi đưa ra quyết định. Ở thời điểm này, nhiều nhà mạng viễn thông vẫn đang hợp tác cùng công ty Trung Quốc để triển khai các dịch vụ 5G tại quốc gia mình.

Một trong những công ty viễn thông lớn của Singapore là M1 đã hợp tác với Huawei để thí điểm các dịch vụ 5G tại đây.

Các nhà quản lý viễn thông Singapore cho biết các nhà mạng nên hợp tác với nhiều nhà cung cấp thiết bị để giảm thiểu rủi ro từ việc lệ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất, chứ chưa đưa ra lệnh cấm ngay Huawei.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Áp lực từ phương Tây lên Huawei sẽ tiếp tục diễn ra.

Chính phủ Mỹ được cho là đang lên kế hoạch mở rộng lệnh cấm Huawei, cụ thể là cấm sử dụng mọi trang thiết bị do các hãng viễn thông Trung Quốc sản xuất trong mạng lưới không dây nước này, và sẽ gây áp lực để buộc các đồng minh làm theo.

Nhưng họ cũng phải chấp nhận một cái giá.

"Nếu Mỹ cấm Huawei, thì tham vọng 5G của họ sẽ phải trả giá" - Samm Sacks, nhà phân tích kinh tế điện tử Trung Quốc tại New America nói.

"Có nghĩa là chúng ta sẽ không thể tham gia vào bất kỳ mạng hỗn hợp nào ở châu Âu và châu Á cả. Và nếu chúng ta không tham gia được, chúng ta sẽ bị đặt vào thế bất lợi lớn".

Điều đó đồng nghĩa với một thế giới với 2 mạng internet - thứ mà các nhà phân tích gọi là "Rèm sắt kỹ thuật số" - tình trạng phân chia thế giới thành hai phần: một phần có quan hệ thương mại với các công ty Trung Quốc như Huawei, và phần còn lại đoạn tuyệt với các công ty này.

Theo Minh .T.T (VnReview.vn)