Raju Prasad, người ăn xin cho biết, anh đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng thanh toán qua di động để “tác nghiệp” từ vài tháng trước.
Người đàn ông chia sẻ, kể từ khi áp dụng công nghệ số, thu nhập hàng ngày của anh đã tăng gấp đôi, vào khoảng 300 rupee (tương đương 4 USD), cao hơn cả thu nhập trung bình của người nông dân tại Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ.
Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, nhiều người qua đường đã có thể dễ dàng cho đi 5-10 rupee, thay vì phải dừng lại và lục túi tìm tiền lẻ.
“Người ta thường xua tôi đi và nói rằng họ không có tiền lẻ”, Prasad nói. “Giờ họ có thể quét mã QR và vui vẻ cho tôi số tiền mà họ muốn”.
Việc những người ăn xin và người cho tiền áp dụng công nghệ cho thấy bức tranh về cuộc cách mạng tài chính số tại quốc gia tỷ dân này đang bùng nổ với các ứng dụng thanh toán di động, cũng như các thách thức mà những gã khổng lồ như Alphabet, Walmart và Paytm phải đối mặt.
Đại dịch Covid-19 là yếu tố đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Các lệnh giãn cách buộc hàng triệu người phải mua sắm tạp hoá và thuốc men qua ứng dụng di động. ATM thì thiếu tiền mặt, và trong nhiều trường hợp người dân lo ngại nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền vật lý.
“Điểm tích cực duy nhất của đại dịch là việc mọi người bắt đầu sử dụng nhiều thanh toán kỹ thuật số hơn”, Karthik Raghupathy, giám đốc chiến lược và quan hệ khách hàng của PhonePe, đơn vị thanh toán của Flipkart cho hay. Khi Covid-19 lan rộng tại Ấn Độ, số lượng người đăng ký PhonePe đã tăng hơn 50%.
Hiện PhonePe có khoảng 165 triệu người dùng hàng tháng, chiếm 48% giá trị thanh toán di động của Ấn Độ, xếp sau đó là Google với 40% và Paytm với gần 9%.
Theo báo cáo tháng 4 của công ty ACI Worldwide, Ấn Độ có 48,6 tỷ thanh toán kỹ thuật số trong năm ngoái, gấp đôi quốc gia xếp thứ 2 là Trung Quốc. Dự báo, đến năm 2026, số lượng này có thể tăng lên 200 tỷ giao dịch.
TheoVinh Ngô (VietNamNet)