Dịch vụ internet vệ tinh Starlink, vốn được SpaceX của tỷ phú Elon Musk phát triển với mục đích kết nối các vùng khó tiếp cận, đang trở thành một công cụ đắc lực cho các tập đoàn tội phạm lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á. Đặc biệt tại khu vực Myawaddy thuộc Myanmar, một điểm nóng của nạn lừa đảo viễn thông, Starlink được ghi nhận đang hoạt động tại ít nhất 8 khu phức hợp được cho là nơi cư ngụ của các ổ nhóm lừa đảo này. Điều này tạo ra một nghịch lý, mạng vệ tinh đang cung cấp sự kết nối liên tục cho những khu vực lẽ ra phải bị cô lập, làm suy yếu các nỗ lực của chính quyền trong việc trấn áp tội phạm.
Thách thức tại biên giới Thái Lan – Myanmar
Myawaddy, nằm ở biên giới Myanmar và Thái Lan, từ lâu đã nổi tiếng với tình hình an ninh phức tạp và hạ tầng mạng internet không ổn định. Trong bối cảnh đó, Starlink với khả năng cung cấp kết nối độc lập với hạ tầng địa phương, đã trở thành một trong số ít các lựa chọn khả thi để truy cập internet. Điều này không chỉ đúng với các doanh nghiệp hay tổ chức cứu trợ nhân đạo mà còn cả với các tổ chức tội phạm.
Theo ước tính từ Dự án Internet Myanmar, hiện có hơn 3.000 thiết bị Starlink đang hoạt động tại quốc gia này. Ngay cả khi chính quyền quân sự Myanmar thực hiện các biện pháp cắt giảm hoặc ngắt kết nối internet trên diện rộng, thiết bị Starlink vẫn có thể duy trì kết nối, trở thành nguồn internet tức thời duy nhất ở một số khu vực, được cả các tổ chức nhân đạo và các nhóm vũ trang sử dụng.
Tình hình tại biên giới Thái Lan và Myanmar càng làm nổi bật vai trò của Starlink trong việc duy trì hoạt động của các khu phức hợp lừa đảo. Vào đầu tháng 2 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã cắt nguồn điện cung cấp cho 5 khu vực tại Myawaddy được cho là có liên quan đến sòng bạc và hoạt động lừa đảo. Tuy nhiên, các báo cáo từ truyền thông Thái Lan cho thấy, những khu phức hợp này vẫn tiếp tục hoạt động nhờ sử dụng máy phát điện, hệ thống năng lượng mặt trời và đặc biệt là dựa vào kết nối internet từ Starlink. Điều này đã khiến chiến lược phong tỏa bằng cách cắt điện/mạng truyền thống gần như không hiệu quả.
Thiết bị Starlink dễ tiếp cận, khó kiểm soát
Tạp chí Wired của Mỹ nhấn mạnh, các thiết bị Starlink khá dễ dàng mua được trên các sàn thương mại điện tử và có thể bị buôn lậu vào các khu vực bị cấm. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cũng xác nhận sự tồn tại của các đường dây chuyên cung cấp thiết bị này cho các khu phức hợp lừa đảo nằm ở những vùng hẻo lánh.
Vấn đề lạm dụng Starlink bởi các tập đoàn tội phạm đã được giới chức pháp luật Mỹ ghi nhận. Vào tháng 7/2024, bà Erin West, Trợ lý Biện lý Quận hạt California, người sáng lập "Chiến dịch Clover" chuyên chống lừa đảo buôn người đã gửi thư cho cố vấn pháp lý của SpaceX để cảnh báo về tình hình này nhưng không nhận được phản hồi. Bà West dẫn lời một thành viên của nhóm lừa đảo từng nói: "Chỉ cần tắt Starlink, mọi vấn đề sẽ được giải quyết". Tuy nhiên, do phạm vi phủ sóng xuyên quốc gia của Starlink, việc phong tỏa mạng này ở cấp độ địa phương là rất khó khăn. Bà West cũng là một trong những người tận mắt chứng kiến thiết bị Starlink được sử dụng trong các khu phức hợp lừa đảo khi đến thăm biên giới vào tháng 2.
Tại Thái Lan, nghị sĩ đối lập Rangsiman Rome cũng bày tỏ sự lo ngại. Tháng 2 vừa qua, ông đã công khai gắn thẻ Elon Musk trên mạng xã hội X, chỉ ra bằng chứng về việc Starlink đang bị lạm dụng cho các hoạt động lừa đảo quy mô lớn trong khu vực và kêu gọi Musk hành động.
Mở rộng kinh doanh và tranh cãi tại Đông Nam Á
Trong bối cảnh tranh cãi gia tăng, SpaceX vẫn đang xúc tiến kế hoạch mở rộng tại Đông Nam Á. Ngày 20/2, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gặp Giám đốc Marketing của Starlink, bà Rebecca Hunter để thảo luận về việc triển khai dịch vụ tại quốc gia này. Tuy nhiên, USAID ước tính Campuchia có hơn 150.000 người liên quan đến ngành lừa đảo. Các chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng sự phổ biến của Starlink tại Campuchia có thể lặp lại kịch bản tiêu cực như ở Myanmar.
Tại Indonesia, nơi Starlink được cấp phép từ tháng 5/2023, các nhà mạng địa phương như Telkom và Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia đã chỉ trích SpaceX vì mức đầu tư khiêm tốn và nguy cơ tạo ra cạnh tranh không cân sức. Mặc dù giá dịch vụ Starlink hiện tại ở Indonesia cao hơn gần gấp đôi giá địa phương nhưng khả năng giảm giá trong tương lai và triển khai dịch vụ di động có thể khiến các nhà mạng nội địa gặp khó.
Ông Darynaufal Mulyaman, Giảng viên Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thiên Chúa giáo Indonesia, cho rằng việc Starlink không đầu tư vào nhân lực và hạ tầng có thể giúp họ giành thị trường thông qua cuộc chiến giá cả, đó là một cuộc "cạnh tranh cực kỳ không cân sức".
Ngoài ra, Starlink đã được Ủy ban Viễn thông Quốc gia Philippines cấp phép vào năm 2022, chuyên cung cấp internet giá cả phải chăng cho các làng xã vùng sâu vùng xa. Theo quan sát của dự án công dân Project Bass, hiện có khoảng 1.500 thiết bị Starlink đang được sử dụng tại quốc gia này nhưng số lượng thực tế có thể cao hơn. Quốc hội Philippines đã thông qua "Đạo luật Người Philippines được kết nối" vào tháng 2, nhằm hỗ trợ các nhà mạng nhỏ tham gia thị trường và thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng.
Bên cạnh vấn đề lạm dụng, sự phụ thuộc ngày càng tăng của các quốc gia vào công nghệ vệ tinh như Starlink cũng dấy lên lo ngại về ảnh hưởng chính trị và pháp lý. Bà Allison Pytlak, Giám đốc Chương trình An ninh mạng tại Trung tâm Stimson, cảnh báo rằng nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, các quốc gia có thể trở nên quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp tư nhân, khó có thể kiểm soát hoạt động hoặc ngăn chặn rủi ro lạm dụng. "Những công ty công nghệ này đang ngồi cùng bàn với chính phủ, nhưng chúng ta vẫn chưa thiết lập luật chơi cho họ", bà Pytlak nhấn mạnh, kêu gọi xây dựng một khung pháp lý quốc tế toàn diện để đối phó với những thách thức mới do sự mở rộng nhanh chóng của mạng internet vệ tinh trên toàn cầu.
Theo Lê Nguyên (SHTT)