Starlink của Elon Musk muốn mang Internet vệ tinh đến Việt Nam

23/03/2023 16:00:00

Đại diện Starlink chia sẻ mong muốn hợp tác để đưa dịch vụ Internet vệ tinh do công ty của tỷ phú Elon Musk cung cấp đến Việt Nam.

Phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) dẫn đầu đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh. Đặc biệt là sự góp mặt của SpaceX - công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh, sản xuất tên lửa đẩy và tàu vũ trụ được thành lập bởi Elon Musk.

Tại buổi tiếp của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm với phái đoàn, đại diện SpaceX cho biết, công ty muốn hợp tác với Việt Nam và Bộ TT&TT, đặc biệt trong việc tăng cường năng lực kết nối số. 

“SpaceX đang sở hữu Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao phủ sóng toàn cầu. Công nghệ Internet vệ tinh có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang thông thường không thể vươn đến. Có rất nhiều dịch vụ dựa trên nền Internet tốc độ cao mà vệ tinh có thể cung cấp được”, đại diện SpaceX chia sẻ. 

Starlink của Elon Musk muốn mang Internet vệ tinh đến Việt Nam
Đại diện SpaceX trong phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, SpaceX cho hay, chính phủ cần thúc đẩy chiến lược về phát triển khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân, chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực kết nối Internet”, đại diện SpaceX nói. 

Theo tìm hiểu của VietNamNet, dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk đã phổ biến và đi vào hoạt động ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Australia và hầu hết các nước EU. Ở châu Á, SpaceX mới cung cấp dịch vụ Starlink ở Nhật Bản và Philippines. 

Trước đó tại Việt Nam, nhà mạng Viettel từng đề xuất thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. Khó khăn của các doanh nghiệp trong nước khi phát triển dịch vụ này là tiềm lực để triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp, rất có thể các nhà mạng phải phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của doanh nghiệp nước ngoài.

Một vấn đề khác khi nhắc tới dịch vụ Internet vệ tinh là những tác động tới các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng như an ninh quốc gia. Do vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu, thử nghiệm cũng như theo sát hội nghị quốc tế về quản lý và cấp phép cho dịch vụ vệ tinh để có kế hoạch cụ thể.

Starlink của Elon Musk muốn mang Internet vệ tinh đến Việt Nam - 1
Một bộ sản phẩm Internet vệ tinh của Starlink

Về mức độ khả thi, giá thành dịch vụ Internet từ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp vẫn cao gấp nhiều lần so với giá dịch vụ Internet băng rộng cố định tại nước ta. Mặc dù vậy, nếu được triển khai tại Việt Nam, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như đồi núi, hải đảo...

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh bằng công nghệ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và hàng không. Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng lớn nhưng còn gặp nhiều hạn chế về thông tin, liên lạc. 

Theo Trọng Đạt (VietNamNet)

Nổi bật