Theo báo cáo nhanh của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), bão số 3 (tên quốc tế Yagi) đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại đến một số cơ sở hạ tầng viễn thông. Cụ thể, bão Yagi đã làm đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, tuy nhiên các sự cố này không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc do đã có dự phòng.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 cũng đã làm gãy đổ 27 cột viễn thông, 6.285 vị trí bị mất liên lạc di động do xảy ra mất điện. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và roaming giữa các mạng.
Cục Viễn thông cho hay, tại thời điểm cao điểm của bão, ở Hải Phòng, Quảng Ninh, nhiều thuê bao cố định bị gián đoạn dịch vụ. Tuy vậy, không có thiệt hại về người của lực lượng ngành viễn thông.
Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục sự cố tại các địa bàn bị thiệt hại, cho phép roaming bảo đảm thông tin liên lạc trong thời gian có doanh nghiệp chưa khắc phục xong sự cố.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp điều phối lực lượng, phương tiện, thiết bị từ các tỉnh lân cận hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của bão. Mục tiêu đặt ra là trong ngày 8/9/2024 sẽ khôi phục thông tin liên lạc.
Cục Viễn thông kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm khôi phục điện lưới tại các khu vực cắt điện, các khu vực bị mất điện do sự cố, để cung cấp điện cho các trạm BTS nhằm khôi phục thông tin liên lạc. Bên cạnh đó, UBND các cấp cần chỉ đạo cho phép ưu tiên lực lượng viễn thông tiếp cận địa bàn, nhằm khắc phục sự cố viễn thông trong thời gian nhanh nhất.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Viettel cho biết, Viettel bố trí lực lượng túc trực, cử các cán bộ nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão lũ tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp là Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hơn 5.000 máy phát điện được trang bị cho 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão. Tất cả vị trí, địa điểm có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt đều có nhân sự túc trực, đảm bảo tài nguyên, nhiên liệu để khắc phục sự cố khi cần.
Về phương án ứng cứu đối với mạng truyền dẫn, 51 link dự phòng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, bổ sung đường trục kết nối mạng Đông Bắc và Tây Bắc 2 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Trên 18 điểm xung yếu trục quốc gia, 49 điểm trục liên tỉnh, 268 trục liên huyện, Viettel cắt cử nhân sự trực ngày đêm, đảm bảo các dụng cụ, vật tư, cáp dự phòng.
Theo VNPT, do chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão, nhà mạng này đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, nhờ vậy cơ bản khôi phục ngay, đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động Vinaphone trong bão.
Tại Quảng Ninh, dự kiến đến trưa nay (8/9), VNPT sẽ xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh.
Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân lực. Với việc huy động hàng trăm cán bộ công nhân viên từ các đơn vị lân cận cùng VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, VNPT dự kiến sẽ sớm khôi phục liên lạc trên địa bàn thành phố.
Trước đó, Bộ TT&TT đã gửi công điện đến Sở TT&TT các tỉnh, thành phố cùng các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/9 về việc chủ động ứng phó với bão số 3.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)