Ông D.J.Koh, CEO mảng di động Samsung, cho biết bạn có thể dùng điện thoại bẻ cong như máy tính bảng với khả năng đa nhiệm trước khi gấp gọn lại thành smartphone. Trả lời phỏng vấn Cnet bên lề sự kiện ra mắt Galaxy A9 (2018) 4 camera đầu tiên trên thế giới hôm 11/10, lãnh đạo Samsung nói: “Khi chúng tôi đưa ra điện thoại bẻ cong, nó phải thực sự có ý nghĩa với khách hàng. Nếu trải nghiệm người dùng không đáp ứng tiêu chuẩn của tôi, tôi không muốn phát hành loại sản phẩm ấy”.
Một lần nữa, ông nhấn mạnh điện thoại bẻ cong không phải “sản phẩm marketing” sẽ “biến mất sau 6 đến 9 tháng”. Nó sẽ được phát hành trên toàn cầu, không giống các điện thoại như Galaxy Round trước đây. Galaxy Round dùng màn hình cong và chỉ bán tại Hàn Quốc.
Samsung theo đuổi điện thoại bẻ cong kể từ khi trình diễn tấm nền OLED uốn dẻo tại CES 2013. Tháng trước, ông Koh xác nhận thiết bị được phát hành năm nay và xuất hiện lần đầu tại hội thảo lập trình viên vào tháng 11 tới đây. Tính năng bẻ cong đánh dấu bước tiến quan trọng trong smartphone vốn đã không còn nhiều sáng tạo.
Samsung không phải hãng duy nhất muốn làm điện thoại bẻ cong. Huawei cũng đang trên đường giành danh hiệu hãng đầu tiên ra mắt thiết bị như vậy. Công ty đã đánh bại Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và đang nhăm nhe vị trí đầu bảng của Samsung. Giới thiệu điện thoại bẻ cong đầu tiên sẽ giúp Huawei củng cố danh tiếng như kẻ mở đường và tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Theo ông Koh, màn hình lớn hơn cũng rất quan trọng. Khi Samsung lần đầu ra mắt Galaxy Note, đối thủ gọi nó là sản phẩm chết từ trong trứng nước. Nay, sau nhiều thế hệ Note, chúng ta chứng kiến nhiều thiết bị cỡ lớn hơn ra đời như iPhone Xs Max, Pixel 3 XL, chứng tỏ người dùng muốn màn hình lớn hơn. Điện thoại bẻ cong cho phép mở rộng kích thước màn hình lên hơn 6.5 inch.
Ông Koh tự tin: “Có thể khi bắt đầu bán điện thoại bẻ cong, nó chỉ là thị trường ngách nhưng sau đó nó sẽ mở rộng. Tôi cho rằng chúng ta thực sự cần một điện thoại bẻ cong”.
Theo Du Lam (Ictnews.vn)