SCTV sắp bỏ HBO, K+ cũng định hạ gói kênh nước ngoài
Thông tin bất ngờ này vừa được đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa ra tại buổi làm việc với Bộ TT&TT sáng 13/4. Nguyên nhân của điều này bởi giá bản quyền các kênh truyền hình quốc tế tại Việt Nam đang tăng lên với tốc độ phi mã.
Hiện nay, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam phải mua bản quyền các kênh nước ngoài qua một đại lý trong nước. Điều này dẫn đến trường hợp, khi một đơn vị trong nước trở thành đại lý của một kênh nước ngoài, họ đưa ra giá nào các doanh nghiệp muốn mua bản quyền cũng phải chịu. Chính vì thế mà vô tình tạo ra sự độc quyền trong dịch vụ truyền hình.
Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV): “Quy định phải mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài thông qua đại lý ở Việt Nam dẫn đến việc độc quyền thao túng giá”.
“Mỗi năm, giá bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài tăng tới 30%. Chúng tôi không kiểm soát được giá tăng từ gốc hay do đại lý phân phối tự ý tăng giá. Điều này khiến các doanh nghiệp không chịu nổi. Sắp tới, SCTV cũng buộc phải hạ sóng như VTVCab”, ông Lương cho biết.
Theo Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam, K+ cũng đã định hạ gói kênh này từ 1/1/2018. Tuy nhiên, phía đài không đồng ý bởi K+ có yếu tố nước ngoài.
Giá bản quyền tăng rất lớn khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ trả tiền tại Việt Nam gặp khó khăn. Ông Lương cho rằng nếu không có quy định phải mua bản quyền của các đại lý trong nước thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều kênh và đại lý hơn để có thể mặc cả.
“VTVCab không mua gói kênh này nữa mà chuyển sang gói kênh quốc tế khác với giá rẻ hơn nhiều", ông Lương chia sẻ. Ông Lương cho rằng, việc hạ kênh của VTVCab còn nhiều vấn đề nảy sinh, thế nhưng sắp tới SCTV cũng buộc phải làm như vậy.
Truyền hình trả tiền cần cạnh tranh bình đẳng
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT): “Việc VTVCab đưa lên một loạt gói kênh mới tạo ra nhiều xáo trộn. Đơn vị này cũng đang phải giải quyết với khách hàng. Tuy nhiên, về mặt quản lý, đây là một hướng đi hoàn toàn mới khi thị trường đã bắt đầu có sự đa dạng”.
“Các nhà cung cấp dịch vụ không cạnh tranh nhau bằng việc kéo giá xuống nữa. Thay vào đó, họ cạnh tranh về chất lượng dịch vụ với các gói dịch vụ khác nhau, tiền nào của nấy. Có thể sau này những kênh truyền hình quốc tế kia sẽ được phát bằng các gói cộng thêm vào”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị sở hữu phần lớn thị phần truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Nhà đài này hiện có 3 doanh nghiệp tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền, bao gồm VTVCab (100% vốn), SCTV (50% vốn) và VSTV hay K+ (51% vốn).
Theo đại diện VTV, giá dịch vụ trả tiền tại Việt Nam rẻ so với các nước khác. Chất lượng các gói dịch vụ cũng khá cao. Thế nhưng, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước liên tục cạnh tranh nhau bằng hình thức giảm giá. Vậy nên, nhà đài này kiến nghị cần có giá sàn để các doanh nghiệp không giảm giá thấp hơn giá thành, tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn khi hoạt động.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)